Cột cờ Hưng Hóa - Biểu tượng về ý chí quật cường chống thực dân Pháp của người đất Tổ
Cột cờ Hưng Hóa là 1 trong 5 cột cờ lớn nhất cả nước, có lịch sử lâu đời; là biểu tượng hùng thiêng về tinh thần quật cường chống Pháp của Nguyễn Quang Bích và nghĩa quân Cần Vương vùng Tây Bắc.
Mục lục
Cột cờ Hưng Hóa ở đâu Phú Thọ?
Cùng với cột cờ thành Huế, cột cờ Hà Nội, cột cờ thành Nam, cột cờ thành Tây Sơn, cột cờ Hưng Hóa là một trong 5 cột cờ lớn nhất cả nước. Cột cờ Hưng Hóa có lịch sử lâu đời và từng được xếp hạng là cổ tích của Đông Dương.
Cột cờ Hưng Hóa còn được gọi là kỳ đài, được xây dựng tại trung tâm thành Hưng Hóa. Thế kỷ XIX, dưới triều nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Hóa được thành lập, bao gồm toàn bộ vùng rừng núi thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ ngày nay. Trụ sở tỉnh lỵ được đặt tại làng Trúc Phê (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông ngày nay).

Thành Hưng Hóa là thủ phủ của đạo Thừa Tuyên Hưng, sau này là trấn Hưng Hóa. Thành Hưng Hóa do Nguyễn Quang Bích trấn thủ, có vị trí chiến lược quan trọng, từ đây có thể đi ngược, về xuôi, triển khai lực lượng chiến đấu vô cùng thuận lợi. Đây cũng là nơi mà nhà yêu nước Nguyễn Trường Tộ - nhà cải cách giữa thế kỷ XIX trong các bản điều trần tâm huyết của mình đã từng lưu ý triều đình của vua Tự Đức "Phải giữ vững Tam Tuyên để làm kế lâu dài" (Tam Tuyên là vùng đất Thừa Tuyên Hưng được đặt ra từ thời Lê Thánh Tông).
Thành Hưng Hóa còn được gọi là thành Trúc Phê. Thành có hình vuông, mỗi cạnh dài 360m. nằm chếch theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Theo "Đại Nam nhất thống chí": "Thành Hưng Hóa có chu vi hơn 360 trượng (1.440m), cao 1 trượng 2 thước 1 tấc (gần 5m); hào rộng 2 trượng 2 thước (hơn 9m), sâu 6 thước 9 tấc (2,8m), mở 4 cửa. Khi bắt đầu xây dựng đời vua Gia Long đắp bằng đất, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) được xây dựng lại bằng đá ong. Trong thành có Cột cờ (còn gọi là kỳ đài), xây dựng năm Thiệu Trị thứ 3 (1842)”.
Cột cờ Hưng Hóa từng được xếp hạng cổ tích Đông Dương
Như đã chia sẻ, cột cờ Hưng Hóa được xây dựng vào năm 1842, nằm ở trung tâm thành Hưng Hóa. Cột cờ có phần đế, thân đế và vọng đài có tổng chiều cao 23,84m. Đế có hai cấp, phần thân xây theo hình trụ bát giác có lỗ thông hơi hình hoa thị, bên trong xây bậc hình xoáy trôn ốc. Vọng đài có kính thiên văn cao 1,5m, trên đỉnh có cột treo cờ.
Theo di ảnh lưu giữ tại Viện Đông Dương Bác Cổ, hình dáng của cột cờ Hưng Hóa ngoài những nét riêng về kết cấu thì cơ bản giống với cột cờ Hà Nội. Cột cờ Hưng Hóa cũng được xếp hạng là cổ tích của Đông Dương.

Vào năm 2009, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã xây dựng, khôi phục lại cột cờ trên nền móng cũ. Theo đó, cột cờ có 3 tầng, có hình bát giác, tổng chiều cao từ đế lên ngọn cột cờ là 23,84m.
Tầng 1, còn gọi là đế lớn, có hình vuông, mỗi cạnh dài 17,52m, cao 2,4m; tầng 2 mỗi cạnh dài 11,4m, tầng 3 thon dần hình bát giác lên đến ngọn, cao 18,34m. Từ đế lên ngọn cột cờ có 55 bậc xoáy theo hình trôn ốc. Ở giữa có cột trụ, xung quanh có hệ thống cửa sổ. Đứng trên đỉnh kỳ đài có thể quan sát toàn bộ thị trấn Hưng Hóa và huyện Tam Nông. Cột cờ Hưng Hóa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Cột cờ Hưng Hóa gắn liền với sự nghiệp Cần Vương của Nguyễn Quang Bích
Cột cờ Hưng Hóa và thành Hưng Hóa gắn liền với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX của nhà quân sự, nhà chính trị, nhà thơ, danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích - người cuối cùng trấn giữ thành Hưng Hóa chống giặc ngoại xâm (có người gọi là khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích).
Thành Hưng Hóa có vị trí quan trọng, đặc biệt về mặt quân sự bảo vệ Tổ quốc, lên Tây Bắc có thể bảo toàn lực lượng chiến đấu, về phía Nam là tiền tiêu bảo vệ phía Tây của kinh thành Thăng Long. Sử sách có chép, sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ 2 (25/4/1882) và nhất là khi buộc triều đình Huế phải ký hiệp ước ngày 15/8/1883 xác định quyền bảo hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam, thực dân Pháp đã kéo ra Bắc đánh chiếm nhiều nơi nhằm hoàn thành gấp công cuộc xâm lược trên phạm vi cả nước.

Trong số các căn cứ quan trọng chỉ có thành Hưng Hóa với vị trí án ngữ đường sông đã trở thành tỉnh lỵ của Tam Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang). Tháng 4/1884, sau khi chiếm được các tỉnh ở Bắc Kỳ, quân Pháp dồn lực lượng tấn công thành Hưng Hóa. Quân đội Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với đại quân của Nguyễn Quang Bích với hơn 1.000 người quyết tử giữ thành.
Cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng của ta và 7.000 quân Pháp diễn ra quyết liệt trong 2 ngày (11 - 12/4). Sau khi thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Quang Bích rút quân khỏi Hưng Hóa an toàn và bắt đầu tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp. Từ đây, ông trở thành thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở thượng du Bắc Kỳ.
Cột cờ Hưng Hóa sau Cách mạng tháng Tám
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cột cờ Hưng Hóa là nơi Mặt trận Việt Minh cắm cờ đỏ sao vàng, dán truyền đơn và tổ chức lễ mít tinh ra mắt chính quyền nhân dân đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã tháo dỡ cột cờ.
Ngày nay, thành Hưng Hóa không còn nữa. Dấu tích của tòa thành chỉ còn lại móng tường bằng đá ong và cột cờ. Những năm qua, với ý thức tôn kính và mong muốn được khôi phục, xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa cột cờ Hưng Hóa và Đền thờ Danh nhân Nguyễn Quang Bích ngày càng khang trang, xứng tầm với thân thế, sự nghiệp của ông. Năm 2009, huyện Tam Nông xây dựng lại cột cờ trên nền móng cũ.

Di tích lịch sử văn hóa cột cờ Hưng Hóa đã trở thành biểu tượng để thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau luôn tự hào về truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha; trở thành "địa chỉ đỏ" để con cháu muôn đời hội tụ, kính cẩn tưởng nhớ tới công ơn to lớn của các bậc tiền nhân, tấm gương tiêu biểu soi sáng cho các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, yêu nước, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, cột cờ Hưng Hóa còn trở thành điểm tham quan nhất định phải ghé qua khi đến huyện Tam Nông.
Xem thêm: Mục sở thị miếu Lãi Lèn - nơi phát tích, lưu giữ hồn Xoan và diễn xướng hát Xoan nơi đất Tổ
Tin liên quan
Bản Cỏi Phú Thọ là "viên ngọc thô" giữa thiên nhiên núi rừng hoang sơ của đất Tổ. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao Tiền với rất nhiều nét văn hóa độc đáo...
Cầu kén rể (cầu đi bộ Việt Trì) được xem là biểu tượng mới của thành phố Việt Trì. Công trình này được lấy cảm hứng từ truyền thuyết thời Hùng Vương.
Lễ hội Cấp sắc là một trong những lễ nghi độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao ở Hà Giang. Đây được xem là lễ trưởng thành của những nam nhân trong bản làng, người đã qua cấp sắc sẽ được tham gia vào các việc hệ trọng của gia đình và cộng đồng.