Cô gái Tày đưa khách Tây về bản cuốc đất trồng rau để “chữa lành”
Nhờ tư duy du lịch trải nghiệm mới lạ, cô gái Tày đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và giúp bà con bản nghèo Yên Bái có thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế.
Gần 10 năm trước, Lâm Thượng vẫn là một địa điểm xa lạ trên bản đồ du lịch Tây Bắc. Khi nhắc đến Yên Bái người ta chỉ nhớ tới Mù Cang Chải, Tà Xùa, đèo Khau Phạ,…
“Ngày đó, dẫn những đoàn khách nước ngoài đi tham quan từ Bắc vào Nam tôi cứ đau đáu sao bản làng mình đẹp thế, núi rừng xanh mướt, thác suối trong veo, những nếp nhà Tày truyền thống mộc mạc và con người dễ mến thân tình mà lại không ai biết đến để tới khám phá”, chị Hoàng Thị Xới (SN 1992, bản Tông Pình Cại, Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái) kể.

Từ đó, cô gái Tày ôm giấc mơ một ngày nào đó có thể đưa du khách về bản mình. Họ có thể thong dong đạp xe hay đi bộ giữa những cánh đồng lúa, thỏa thích hít thở bầu không khí trong lành, trải nghiệm leo núi, xuyên rừng, làm vườn, cấy lúa, học hát Then, chơi đàn Tính,… với bà con trong bản.

Năm 2017, bằng số tiền tích lũy từ công việc hướng dẫn viên du lịch, Xới đã thuyết phục bố mẹ sửa ngôi nhà ở bản Tông Phình Cại thành farmstay để đón du khách. Sau 10 năm nỗ lực, cố gắng biến ước mơ thành hiện thực, thung lũng Lâm Thượng bây giờ đã trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.
Vào độ tháng 9 – tháng 12 và từ tháng 2 – tháng 4 hằng năm, nông trại nghỉ dưỡng của gia đình Xới kín 60-70% phòng. Từ một căn nhà sàn tập thể đơn sơ, giờ Xới đã hoàn thành 5 căn dạng bungalow, 4 phòng riêng, đón được khoảng 50 khách/đêm. Ngoài gia đình Xới, bản làng vùng cao này nay đã có thêm những homestay mới.
Nỗ lực bước khỏi lũy tre làng của cô gái Tày
Theo Xới, người truyền cảm hứng học tập đầu tiên cho cô chính là ông nội, ông là con trai của quan lang cai quản vùng này, từng học tới tú tài, nói tiếng Pháp rất giỏi. Từ cấp 1 đến cấp 3, Xới lúc nào cũng nỗ lực học hành chăm chỉ. Năm học cấp 3, trường huyện cách nhà 8km, đường đất gập ghềnh nhưng Xới chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ học. Và trong các môn học, Xới thích nhất là tiếng Anh và ước mơ của cô gái nhỏ khi ấy là được làm hướng dẫn viên du lịch. Vì ước mơ ấy mà Xới quyết tâm ôn luyện và thi đỗ vào Khoa Du lịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

"Bố mẹ ủng hộ tôi về Hà Nội học đại học, theo đuổi ước mơ nhưng đây là khó khăn với cả gia đình. Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ vô cùng, trong khi nguồn thu duy nhất của gia đình là từ trồng lúa”, Xới kể.
Trong thời gian sinh viên, để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, Xới đã xin vào các công ty du lịch để vừa làm việc, vừa rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ. Sau khi ra trường, Xới làm việc cho một công ty du lịch chuyên thị trường inbound (đưa khách quốc tế đến Việt Nam).

Trong hành trình đưa du khách khám phá từ Bắc vào Nam, Xới nhận thấy tiềm năng phát triển của du lịch tự túc, du lịch trải nghiệm. Từ đó, cô gái Tày ấp ủ ý tưởng làm du lịch tại quê nhà.
Năm 2017, sau khi sửa ngôi nhà Tày truyền thống của gia đình thành một nhà sàn tập thể để đón khách và xác định thời gian đầu chưa có nhiều khách, Xới vừa đi làm hướng dẫn viên, vừa kiếm tiền từng bước cải tạo, xây dựng farmstay của gia đình. Đến tháng 12/2017, farmstay của nhà Xới đón những vị khách đầu tiên. Năm tiếp theo, farmstay vẫn chưa đón được bao nhiêu khách, không đem lại lợi nhuận nhưng Xới không nản lòng, vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ của mình.



Song song với công việc hướng dẫn viên, quản lý farmstay, cô gái Tày cũng học thêm về truyền thông, marketing, kiến trúc, quản lý,… Xới bắt đầu xây dựng website về Lâm Thượng, chia sẻ những cảm nhận, trải nghiệm của du khách để giới thiệu trên các hội nhóm du lịch. Cô cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn của địa phương, các câu lạc bộ, cộng đồng làm farmstay ở Việt Nam.
Việc truyền thông dần dần có hiệu quả, đến năm 2021, farmstay nhà Xới bắt đầu đón lượng khách đều hơn. Tháng đông nhất, cả nhà đón khoảng 40-50 khách, vắng thì 20 khách.
Cả nhà dần có thêm nguồn thu ổn định. Bố mẹ và vợ chồng em trai Xới cũng học thêm tiếng Anh và học các sử dụng điện thoại thông minh để giao tiếp với du khách. Mỗi người 1 việc, người đón khách, người nấu ăn, dọn phòng.
Đến đầu năm 2025, Xới quyết định về hẳn bản để tập trung phát triển các dịch vụ trải nghiệm.
Đưa khách Tây về bản cuốc đất trồng rau
Farmstay của Xới nằm gần trường tiểu học, nên cả ngày luôn có tiếng nô đùa, ríu rít của trẻ nhỏ, trước mặt là đồng lúa mênh mông, sau lưng là ao cá, dòng suối mát lành.
Du khách tới đây được “chữa lành” bằng chính cuộc sống của người bản địa: Sáng cùng bà con trong bản cuốc đất trồng rau, trưa thổi lửa nấu cơm, chiều ra đồng làm ruộng, cấy lúa, phơi măng, tối đến lại cùng gia chủ học đàn, học hát dân ca,...

Lịch trình khám phá thiên nhiên và văn hóa địa phương được Xới kết hợp hài hòa, thay đổi linh hoạt theo sở thích của từng vị khách.
Từ bản Tông Pắng hay bản Tông Pình Cại, du khách có thể đạp xe hoặc trekking quãng đường ngắn là tới bờ suối Khuối Luông, thác Nặm Chắn. Tại đây, mọi người có thể đắm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh, thả chân để cá massage. Với những du khách mê trekking thì Xới sẽ giới thiệu khách tới hang Khai Trung, Thẳm Dường, hay đỉnh Lung Trạng, núi Khau Chảu...

Bữa trưa và tối, gia đình Xới sẽ nấu những món đặc sản truyền thống của người Tày để phục vụ du khách như xôi tím, vịt bầu, gà bản nướng, măng mai, rêu suối… Thực phẩm chủ yếu do gia đình hoặc hàng xóm nuôi trồng nên vô cùng tươi ngon.
“2-3 năm nay, farmstay đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Mỗi năm, tôi trích một phần doanh thu để cùng bà con trong bản trồng thêm cây xanh quanh bản và tặng sách vở cho trẻ em đến trường. Đó là cách tôi cảm ơn thiên nhiên đất trời, bà con bản làng đã giúp tôi có cơ hội phát triển kinh tế, thực hiện ước mơ của mình”, cô gái Tày tâm sự.
Theo ông Hoàng Duy Thán, trưởng thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng, farmstay của gia đình Xới là mô hình phát triển du lịch cộng đồng tiêu biểu tại địa phương, hấp dẫn nhiều du khách quốc tế, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho bà con.
"Chị Xới là tấm gương thanh niên trẻ hiếu học, trở về phát triển quê hương của thôn Tông Pình Cại. Xới làm du lịch hướng tới bền vững, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của bà con người Tày. Xới truyền cảm hứng cho nhiều gia đình trong bản, xã phát triển kinh tế từ du lịch cộng đồng", ông Thán cho biết.
Xem thêm: Côn Đảo lần đầu mở tour bảo tồn rùa biển
Tin liên quan
Đền Cấm Lào Cai tồn tại gần 200 năm gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới sự chỉ duy của vua tôi nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Trần Quốc Tuấn.
Nếu có ý định du xuân tại vùng đất Lào Cai xinh đẹp, du khách đừng quên ghé thăm, hòa mình vào không khí của 6 lễ hội đặc sắc dưới đây nhé!
Đền Thượng Lào Cai nằm nghiêng bóng bên dòng Nậm Thi là di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh thu hút sự quan tâm của nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương.