Người Hà Nội “vội vã” check- in “chia tay” Hàm Cá Mập
Trước thông tin tòa nhà Hàm Cá Mập dị tháo dỡ trước ngày 30/4/2025, đông đảo người dân và du khách đã ghé thăm, tranh thủ chụp ảnh để “chia tay” với công trình đã gắn với nhiều kỷ niệm tuổi trẻ.
Mục lục
Tòa nhà Hàm Cá Mập Hà Nội hay gọi chính xác hơn là Trung tâm giao dịch thương mại quốc tế nằm tại số 7 Đinh Tiên Hoàng là một công trình thương mại được xây dựng trên nền Nhà xe điện cũ với hướng nhìn thẳng ra Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tầm nhìn bao quát hồ Hoàn Kiếm.

Hàm Cá Mập được khởi công xây dựng từ năm 1991, đến năm 1993 thì hoàn thành. Suốt 32 năm qua, tòa nhà đã trở thành địa điểm gắn liền với kỷ niệm của nhiều người. Cũng bởi vì vậy, khi có thông tin vào ngày 30/4/2025 tòa nhà Hàm Cá Mập sẽ bị tháo dỡ để cải tạo không gian hồ Gươm người dân và du khách đã tranh thủ ghé tới đây chụp ảnh “chia tay” nhằm lưu giữ kỷ niệm.


Không gian khu vực Quảng trường vốn đã đông đúc, nay lại càng nô nức, nhộn nhịp hơn. Từ già trẻ gái trai, ai cũng háo hức mong được “check-in” với một trong những biểu tượng của khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Đôi nét về lịch sử xây dựng tòa nhà Hàm Cá Mập
Tòa nhà Hàm Cá Mập có diện tích sàn 310 m2, được UBND TP Hà Nội cho một đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) thuê đất và xây dựng từ đầu những năm 1990 với mục đích làm trung tâm thương mại. Đây là trung tâm thương mại quốc doanh đầu tiên của Hà Nội, hoạt động theo mô hình siêu thị.

Hàm Cá Mập được xây dựng trên nền đất Nhà ga xe điện và Bách hóa Bờ Hồ. Tòa nhà do cố KTS Tạ Xuân Vạn thiết kế. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1993, công trình đã hứng chịu sự công kích lớn từ giới chuyên môn lẫn dư luận Hà Nội thời ấy.
Nhìn từ trên không, tòa nhà Hàm Cá Mập tượng như đầu mút một ốc đảo với phía trước là đường Đinh Tiên Hoàng – hồ Gươm, mặt sau là phố Cầu Gỗ và chặn phía đuôi là ngõ Hồ Hoàn Kiếm.
Những thăng trầm gắn với tên gọi “Hàm Cá Mập”
Ngày nay, tên gọi Hàm Cá Mập đã gắn với hình ảnh của tòa nhà 5 tầng nằm tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trở thành địa điểm check-in, ăn uống quen thuộc của giới trẻ và khách du lịch mỗi khi ghé tới hồ Gươm.
Nhưng cái tên này lại một câu chuyện buồn đối với cha đẻ của tòa nhà. Vào năm 2019, trong một cuộc trò chuyện, KTS Tạ Xuân Vạn chia sẻ rằng công trình Trung tâm Giao dịch thương mại quốc tế hiện nay không giống với thiết kế ban đầu của ông.

Trước khi xây dựng, chủ đầu tư đã tổ chức một cuộc thi thiết kế dành cho các kiến trúc sư. Ông Vạn đã dành rất nhiều thời gian đi dọc Hồ Gươm, loanh quanh phố cổ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang,… để lấy ý tưởng. Trong bản phác thảo đầu tiên, ông đã thiết kế tòa nhà có nét cong như làn khói dâng để “hô ứng” với khối trụ của tháp nước Hàng Đậu, hòa hợp với hình hài của Hồ Gươm và đặc biệt không quá phô trương ra phía quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Bản thiết kế và ý tưởng của ông đã được chủ đầu tư chọn để xây dựng cho công trình.
Năm 1993, khi công trình thi công gần xong, ông Vạn có việc phải vào Nghệ An công tác nhiều ngày. Đến khi ông về lại Hà Nội, đến xem “đứa con” của mình thì thấy tòa nhạc bọc kín bằng vải dứa, nhiều chỗ cơi rộng, nham nhở, lem nhem. Ông bảo khi ấy ông đã ngồi khóc uất ức, tất tưởi vì “không hiểu sao người ta lại đối xử với tác phẩm kiến trúc như thế”. Sau này ông mới biết được chủ đầu tư đã yêu cầu người khác thay đổi thiết kế mà không hỏi qua ý kiến của “cha đẻ” nó.

Làn sóng chỉ trích công trình bùng lên khi tòa nhà được sơn đen sì, dư luận thời ấy lũ lượt gọi tòa nhà là “Hàm Cá Mập”. Khi ấy, chủ đầu tư mới lại mời ông Vạn xử lý hậu quả. Vị kiến trúc sư đã cố nhẫn nhịn, điều chỉnh cho gọn vào và sơn lại màu trắng như ngày nay. Uất ức, ông Vạn đã ra chợ mua mấy con cóc gốm về gắn vào cột nóc với tư thế ngước lên trời với ngụ ý “cậu ông trời mà không kiện được ai, cứ kêu thế thôi”. Sau này cải tạo, người ta đã cho dỡ mấy con cóc này đi.
Sau này, công trình đã qua hai lần sửa chữa vào các năm 1996 và 1998 để tạo độ lùi và đường cong phù hợp với sự chuyển tiếp, tạo không gian mở hơn, không còn đóng kín bưng như hộp giống ngày trước.
Sau hơn 3 thập kỷ, dù bị chỉ trích vì thiết kế xấu, nhưng Hàm Cá Mập vẫn là tòa nhà thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ và du khách nước ngoài ghé đến ăn uống, chụp ảnh.
Xem thêm: Hộ chiếu Sa Pa là gì mà dân du lịch rủ nhau lên núi "bắt trend"?
Tin liên quan
Lăng Bác là nơi lưu giữ di hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là điểm đến mà mỗi thế hệ người Việt đều mong mỏi được một lần viếng thăm để bày tỏ lòng biết ơn với vị cha già dân tộc.
Cầu Long Biên không chỉ là "chứng nhân lịch sử" của một thời đạn bom mà còn là kiệt tác kiến trúc với kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á...
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước ta; là nơi đào tạo ra nhiều danh nhân; là nơi vinh danh các nhà khoa bảng; là biểu tượng trường tồn, vĩnh cửu của tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam.