Du lịch miền Tây: Cập nhật và lưu ý thông tin địa danh, các điểm đến sau sáp nhập
Kể từ 1/7, hành trình khám phá miền Tây sẽ trở nên khó khăn hơn nếu du khách chưa kịp cập nhật những thay đổi quan trọng về thông tin địa danh, điểm đến. Hãy lưu ngay để dùng dần nhé!
Danh sách các tỉnh thành miền Tây sau sáp nhập 1/7/2025
Miền Tây luôn là nơi thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Với hệ thống sông ngòi rộng khắp, vườn cây xanh mướt trĩu quả, chợ nổi tấp nập, người dân hiền hòa... miền Tây giúp du khách được đến gần với những điều thân thương, bình dị nhất.
Thế nhưng từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố. Như vậy, bản đồ hành chính của miền Tây cũng có nhiều sự thay đổi. Để du khách có chuyến đi trọn vẹn về miền Tây, chúng tôi xin cập nhập thông tin địa danh, điểm đến sau sáp nhập.
Trước sáp nhập, miền Tây có 13 tỉnh thành là: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Kể từ 1/7/2025, danh sách này có sự thay đổi, tổ chức hành chính được sắp xếp lại như sau:
- TP. Cần Thơ: bao gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng (trước đó).
- Vĩnh Long: gồm Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh (trước đó).
- Đồng Tháp: gồm Đồng Tháp, Tiền Giang (trước đó).
- An Giang: gồm An Giang, Kiên Giang (trước đó).
- Cà Mau: gồm Bạc Liêu, Cà Mau (trước đó).
- Tây Ninh: gồm Tây Ninh (trước đây thuộc Đông Nam bộ) và Long An (trước đây thuộc Tây Nam bộ hay miền Tây).
Với sự thay đổi như trên, du khách khi đi du lịch miền Tây cần cập nhật kỹ thông tin. Hãy kiểm tra bản đồ mới, tra cứu các địa danh mới, xác nhận lại lịch trình với các công ty lữ hành theo địa danh mới để tránh tình trạng nhầm lẫn điểm đến. Đặc biệt là ở các chặng đường xe khách, bến tàu hỏa, sân bay, phòng lưu trú... trên các nền tảng đặt trực tuyến. Ngoài ra, việc lựa chọn điểm tham quan cũng cần xem thật kỹ để tránh bị di chuyển quá xa, lạc đường.
Danh sách điểm đến du lịch ở miền Tây sau sáp nhập 1/7/2025
Không chỉ cập nhật về địa phận hành chính mà du khách còn phải chú ý đến các điểm du lịch sau sáp nhập. Bởi có một số tỉnh thành hợp nhất, các điểm du lịch sẽ nhiều hơn và được kết nối rộng hơn. Cụ thể:
- Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa và du lịch nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, Phong Điền trứ danh, đến chùa Dơi, chùa Đất Sét (trước đây thuộc Sóc Trăng cũ) hay Lung Ngọc Hoàng (trước đây thuộc Hậu Giang Cũ). 3 địa phương này sáp nhập, bản đồ du lịch mới được hình thành, vừa có sông nước, vừa có tâm linh, vừa có hệ sinh thái đa dạng.
Vĩnh Long được sáp nhập với Bến Tre và Trà Vinh trở thành vùng đất trái cây miệt vườn bất tận của miền Tây. Nơi đây có những cù lao xanh mướt, những khu vườn trĩu quả ngọt, những bãi tắm đẹp như Thạch Phú, Ba Động và các điểm du lịch văn hóa như chùa Âng, chùa Hang, làng hoa Cái Mơn... Vĩnh Long hứa hện trở thành "thiên đường du lịch miệt vườn" dành cho du khách.

An Giang sát nhập với Kiên Giang sẽ trở thành điểm đến có núi Bảy Núi, miếu Bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư, đảo Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu... (Kiên Giang cũ). Nơi đây sẽ trở thành tỉnh thành hiếm hoi hội tụ đủ cả núi, đồng bằng, sông ngòi, biển đảo.
Đồng Tháp sáp nhập với Tiền Giang để trở thành điểm đến có Vườn quốc gia Tràm Chim, làng hoa Sa Đéc, chợ nổi Cái Bè, cù lao Thới Sơn… Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua đây hứa hẹn mở thêm cánh cửa cho phát triển du lịch vùng.
Cà Mau sáp nhập với Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn: nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chùa Xiêm Cán... cùng với đó là rừng U Minh Hạ, Mũi Cà Mau, tạo nên hành trình khám phá cực Nam thêm phần thú vị.
Tây Ninh (miền Đông Nam Bộ) sau khi sáp nhập với Long An (miền Tây Nam Bộ) - tỉnh cửa ngõ miền Tây - sẽ có thêm sông Vàm Cỏ Đông bao trọn, mở ra lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái sông nước bên cạnh các công trình kỳ vĩ như núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng…
Xem thêm: Du lịch Gia Lai sau sáp nhập: Vừa có di sản văn hóa Tây Nguyên vừa có hệ sinh thái biển đảo
Tin liên quan
Sau ngày 1/7/2025, hệ thống sân bay Việt Nam đã có cập nhật mới nhất về địa chỉ hành chính theo đề án sáp nhập tỉnh, thành cả nước. Dưới đây là địa chỉ mới của 22 sân bay sau sáp nhập.
Trong 3 năm, tôi đã đi hàng chục nghìn km và thu về 63 tấm ảnh chụp bảng địa phận tỉnh/thành phố của Việt Nam trước khi sáp nhập.
Tôi rất ấn tượng với cột mốc "Hà Giang 0km" nhưng đang thắc mắc không biết sau sáp nhập cột mốc đó có được giữ lại không?