Cẩm nang kinh nghiệm tham quan chùa Một Cột 2025 từ A đến Z
Chùa Một Cột (Diên Hựu Tự) tựa như đóa liên hoa nở trên mặt nước, tượng trưng cho sự tinh khiết, cao quý của Phật pháp.
Mục lục
Những thông tin du lịch cần biết về chùa Một Cột 2025
Chùa Một Cột ở đâu Hà Nội?
Chùa Một Cột là một trong những công trình kiến trúc có tuổi thọ ngàn năm mang giá trị biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ngôi cổ tự khoác lên mình nét kiến trúc vô cùng độc đáo, trở thành điểm văn hóa, tâm linh không thể bỏ lỡ khi đến thăm Hà Nội
Chùa Một Cột còn có một số tên gọi khác là Diên Hựu Tự, Chùa Mật, Liên Hoa Đài. Dưới thời nhà Lý, chùa tọa lạc trên phần đất của thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía tây Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, chùa nằm ở số 101, phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.

Cụ thể hơn, chùa Một Cột nằm ngay sau phố Ông Ích Khiêm, nằm trong khuôn viên quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác) và Quảng trường Ba Đình.
Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có xây dựng một phiên bản chùa Một Cột uy nghiêm, cổ kính tọa lạc ở Thủ Đức. Ngôi chùa này được mệnh danh là "Nam Thiên NHất Trụ". Ngoài ra, chùa Một Cột còn có một phiên bản nữa được đặt ở Tổ hợp Trung tâm Văn hóa Thương mại và Khách sạn "Hà Nội - Matxcova" thuộc thủ đô Mátxcơva của Nga.
Chùa Một Cột mở cửa lúc mấy giờ, giá vé ra sao?
Thông thường chùa Một Cột mở cửa từ 7h sáng tất cả các ngày trong tuần. Du khách chỉ có thể tham quan chùa Một Cột trong khoảng thời gian từ 1 - 3 giờ đồng hồ.
Về giá vé: Chùa Một Cột miễn phí 100% vé cho công dân Việt Nam; Người nước ngoài đến tham quan chùa Một Cột sẽ phải mua vé tham quan với chi phí 25.000 đồng/lượt/người.
Tham quan chùa Một Cột mùa nào đẹp nhất?
Du khách có thể đến tham quan chùa Một Cột vào bất kỳ mùa nào trong năm. Bởi mỗi thời điểm, chùa Một Cột sẽ mang sắc thái khác nhau bởi sự thay đổi của thời tiết, cảnh sắc xung quanh.
Tuy nhiên, các công ty lữ hành và những người dân tour chuyên nghiệp thường gợi ý cho du khách tham quan chùa Một Cột vào mùa hè để hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa tâm linh. Đặc biệt là trong ngày Mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.

Du khách tham quan chùa Một Cột vào mùa hè còn có may mắn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen trong hồ Linh Chiểu. Lúc này, chùa Một Cột trở nên cổ kính, nên thơ giữa mặt nước mênh mông.
Di chuyển đến chùa Một Cột như thế nào?
Chùa Một Cột nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội nên du khách có thể di chuyển đến đây bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Du khách có thể đi xe cá nhân hoặc đi xe công cộng.
Nếu đi xe máy, ô tô cá nhân, du khách sẽ đi theo chỉ dẫn của Google Map. Khi đến nơi, du khách có thể chọn gửi xe ở 1 trong 2 địa điểm sau đây:
- Điểm gửi xe công cộng Ngọc Hà (đoạn đầu dốc Ngọc Hà, cạnh công viên Bách Thảo).
- Điểm gửi xe ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - số 19A Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Nếu di chuyển bằng xe bus, du khách lên tuyến xe sau:
- Xe 09A: xuống xe tại trạm Ngã 4 Lê Hồng Phong Ông – Ích Khiêm, cách chùa 212 mét.
- Xe 23, 146: xuống xe tại trạm số 6 Ông Ích Khiêm, cách chùa 254 mét.
- Xe 32, 34, 38, E07: xuống xe tại trạm 145 Nguyễn Thái Học, cách chùa 630 mét
- Xe 22A: xuống xe tại trạm 60 Trần Phú (Bộ Tư Pháp), cách chùa 680 mét.
- Xe 02: xuống xe tại trạm đối diện số 40 Tôn Đức Thắng (Văn Miếu), cách chùa 930 mét.
Ngoài ra, nếu du khách muốn kết hợp tham quan nhiều địa điểm ở Thủ đô Hà Nội thì cũng có thể lựa chọn dịch vụ xe bus 2 tầng. Xe bus này có di chuyển qua khu di tích Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. Khi đến đây, du khách có thể xuống xe và thực hiện hành trình tham quan Chùa Một Cột.
Một số lưu ý quan trọng khi tham quan chùa Một Cột
Để có chuyến tham quan chùa Một Cột trọn vẹn nhất, du khách cần nắm được một vài lưu ý sau:
- Tuân thủ các quy định tại chùa: Du khách không mang thức ăn, đồ uống vào chùa; không hút thuốc lá, xả rác bừa bãi; không chạm vào các vật phẩm thờ cúng; không đu bám tường, không viết vẽ lên tường, cột chùa...
- Trang phục: Vì đây là địa điểm văn hóa tâm linh nên du khách cần ăn mặc lịch sự, kín đáo để bày tỏ tự tôn trọng với nơi linh thiêng.
- Mang theo tiền mặt: Du khách có thể mang theo một chút tiền mặt để mua hương, xin lá số hoặc làm công đức trong chùa...
Có thể kết hợp tham quan chùa Một Cột với địa điểm du lịch nào?
Để nối dài chuyến tham quan chùa Một Cột của mình, du khách có thể tiếp tục trải nghiệm một địa điểm du lịch xung quanh như:
- Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm cách đó khoảng 300 mét. Đây là lưu giữ di hài của Bác Hồ.

- Quảng trường Ba Đình - quảng trường lớn nhất Việt Nam nằm cách chùa Một Cột khoảng 400 mét.
- Bảo tàng Hồ Chí Minh - đây là nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ, nằm các chùa Một Cột khoảng 300 mét.
- Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - nằm cách chùa Một Cột khoảng 1km.
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nằm cách chùa Một Cột khoảng 1,2km.
Chùa Một Cột: Lịch sử hình thành và những giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh
Chùa Một Cột được xây dựng năm nào?
Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài (đài hoa sen) hay chùa Mật, được khởi công xây dựng vào mùa đông tháng 10 năm 1049 dưới thời Lý Thái Tông. Việc xây dựng chùa gắn liền với sự tích về giấc mơ đặc biệt của vua Lý Thái Tông.
Tương truyền, vào năm 1049, vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm ban cho một tòa sen ngời sáng. Khi thức dậy, vua kể lại giấc mơ cho quần thần cùng nghe. Sau đó, nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua xây dựng chùa để ghi nhớ công ơn, ân đức lớn lao của Quan Âm.

Như trong giấc chiêm bao, chùa dựng cột gỗ lim, làm tòa sen của Phật Bà Quan Âm đặt trên cột. Sau đó các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh với mong muốn "phước lành dài lâu". Vì lẽ đó mà chùa từng có tên Diên Hựu.
Sang thời vua Lý Nhân Tông, chùa được cải tạo thêm hồ Linh Chiểu, được trang trí thêm tòa sen mạ vàng ở đỉnh cột. Bên trong chùa là ngôi đền có điêu khắc hình chim thần trên mái cùng ban thờ tượng Phật Quan Âm mạ vàng.
Chùa Một Cột đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào triều Trần, Hậu Lê và triều Nguyễn. Đến năm 1954, quân Pháp đã đặt thuốc nổ phá chùa trước khi rút khỏi Hà Nội. Đến năm 1955, Nhà nước cho tái dựng chùa theo bản thiết kế của kiến trúc sư Bá Lăng với quy mô một ngôi chùa nhỏ.
Chùa Một Cột thờ ai?
Chùa Một Cột là di sản văn hóa tâm linh quan trọng của Hà Nội, được dành riêng để thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Đây là biểu tượng của lòng từ bi và trí tuệ. Sự hiện diện của Quan Thế Âm trong chùa Một Cột không chỉ mang ý nghĩa về Phật giáo sâu sắc mà còn thể hiện sự gắn kết giữa tâm linh và văn hóa truyền thống trong đời sống của người Việt Nam.

Hình ảnh chùa Một Cột cũng gắn liền với sự hưng thịnh của Phật giáo thời nhà Lý. Như đã chia sẻ, vua Lý Thái Tông là người rất sùng Đạo Phật. Nhà Lý đã cho xây dựng tới 95 ngôi chùa, tu sửa lại các bức tượng Phật. Vào các ngày lễ lớn, vua Lý Thái Tông còn miễn tất cả các loại thuế cho các ngôi chùa thờ Phật trên cả nước.
Ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh Chùa Một Cột
Chùa Một Cột là ngôi cổ tự có khá nhiều tên gọi với những ý nghĩa sâu sắc. Cụ thể:
- Chùa Một Cột: Tên này được đặt theo hình dáng của chùa.
- Liên Đài Hoa: Tên này mang ý nghĩa là đài hoa sen.
- Chùa Diên Hựu: Tên này mang ý nghĩa là "phúc lành dài lâu".
- Nhất Trụ Tháp: Tên này mang ý nghĩa là ngôi chùa một cột, gọi theo Hán - Việt.
- Chùa Mật: Tên này mang ý nghĩa là nơi có hoa thơm, quả ngọt của đất Phật.

Cho đến nay, ngôi cổ tự này đã trở thành biểu tượng văn hóa ngàn năm của Thủ đô Hà Nội; gắn liền với lịch sử Hà Nội. Đồng thời, chùa là biểu tượng của trí tuệ, mang triết lý nhân văn sâu sắc. Hướng tới những chân thiện mỹ trong cuộc sống.
Dưới góc độ Phật pháp, chùa Một Cột là chốn bình yên mà mọi phật tử có thể tìm về. Tâm hướng Phật sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Ngắm nhìn những cảnh vật xung quanh chùa Một Cột để nhớ về ký ức hào hùng của dân tộc năm xưa...
Chùa Một Cột - Ngôi chùa có kiến trúc độc nhất châu Á
Chùa Một Cột với kiến trúc nguyên bản
Quy mô chùa cũ lớn hơn chùa hiện tại khá nhiều. Song qua các triều đại, chùa được trùng tu nhiều lần, mỗi lần trùng tu là một lần ngôi chùa và cảnh quang chung lại có một sự đổi khác nhất định.
Thuở ban đầu, khi xây dựng chùa Diên Hựu, trước chùa được dựng một cột đá lớn trên mặt nước với đỉnh cột là tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các kinh chàng (Thạch chàng/ Cột kinh) - một loại kiến trúc Phật giáo thường được dựng lên để kiến tạo công đức. Kiến trúc này bắt đầu thịnh hành vào thời nhà Đường, lan truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Vào thời Đinh - Lê ở nước ta, kinh chàng được tạo dựng khá nhiều, Nam Việt vương Đinh Liễn từng dựng 100 tòa kinh chàng vào năm Quý Dậu (973).
Chùa Một Cột được xây dựng ở trong viên lâm phía Tây Hoàng thành. Viên lâm (vườn cảnh lớn) là một dạng kiến trúc cảnh quan cổ, được vua chúa cho kiến tạo làm nơi nghỉ ngơi.

Viên lâm Hoàng thành bắt đầu được tạo dựng từ thời nhà Lý, nằm ở phía tây hoàng thành, thuộc khu vực vườn Bách Thảo và Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày nay. Dựa vào cảnh quan tự nhiên này, người xưa đào một cái hồ và đắp núi nhân tạo, trồng cây xanh, thả chim muông làm thành khu vườn lớn cho vua quan hoàng tộc nhà Lý.
Chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo: Một lầu toàn bằng gỗ hình vuông, đặt trên một cột đá trồng ở giữa hồ; xung quanh cột đá còn có một hệ thống những thanh gỗ lim có hình cong để đỡ lấy tòa lầu. Chính vì thế nên toàn bộ có dáng một đóa hoa sen vươn thẳng lên khỏi mặt nước.
Năm 1106, vua Lý Nhân Tông cho trùng tu, mở rộng chùa trở thành một quần thể kiến trúc lớn. Riêng kinh chàng trước sân chùa được thêm vào những nét mới. Kinh chàng được đặt giữa một hồ vuông thả sen gọi là hồ Linh Chiểu. Trên đỉnh cột là tòa sen mạ vang. Giữa tòa sen là ngôi điện sơn màu tía, sườn nóc điện có gắn hình tượng chim thần để trang trí và tỵ tà. Trong điện đặt tượng Phật mạ vàng. Vây quanh hồ sen là hành lang sơn vẽ, vòng ngoài hành lang là hào nước xanh, mỗi mặt đều có bắc cầu để đi vào. Ở sân trước, hai bên đầu cầu dựng hai ngọn tháp ngói lưu ly. Vua Nhân Tông cũng cho mở rộng chùa và bắt đầu thực hiện nghi tiết tắm Phật long trọng để cầu an cho kinh đô và đất nước vào Mùng 1 hàng tháng.

Năm 1249 (đầu thời Trần), chùa Một Cột được trùng tu nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên được kiến trúc trùng tu năm 1106. Đến thời nhà Mạc, có lẽ tòa sen bị hư hỏng nên không thấy có tư liệu nào nhắc đến nữa, chỉ còn "Một cột đá sừng sững giữa ao sen, trên dựng chênh vênh một ngôi lầu, bốn mặt có hành lang vòng quanh".
Đến thời kỳ Trung Hưng của nhà Lê, cùng với sự suy tàn của viên lâm, chùa bị hư hỏng dần. Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ, chùa Diên Hựu lợp bằng tranh tre, chùa Một Cột thì ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột, trên đỉnh cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và một cây cầu vồng lợp mái cong phía trước.
Năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), đắp thành Thăng Long, cây cầu vồng bị triệt bỏ, dấu tích kiến trúc của chùa Một Cột thời Lý gần như không còn. Khoảng năm 1840 - 1850 (dưới thời Nguyễn), chùa được trùng tu nhưng không rõ lần này ra sao. Đến năm 1922, chùa lại được trùng tu thêm lần nữa.
Ngày 11/9/1954, trước khi rút khỏi Thủ đô, quân Pháp đã đặt mìn phá hủy chùa. Sự việc này khiến chùa chỉ còn cây cột với mấy cái xà gỗ. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Chính phủ cho phục dựng lại chùa như hiện nay.
Chùa Một Cột hiện nay - ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á
Chùa Một Cột ngày nay tuy không còn những hoa văn hình dáng cánh sen như ở thời Lý nhưng kiến trúc chùa vẫn rất đặc biệt với hồ Linh Chiểu, cột trụ bằng đá, đài sen Liên Hoa, bậc thang lên chính điện và mái chùa lợp ngói cổ:
Cổng Tam Quan
Công Tam Quan của chùa Một Cột là công trình mới được xây dựng vài năm trở lại đây nhằm phục vụ nhu cầu thăm viếng, thờ cúng của nhân dân trong các dịp lễ. Tết. Cổng Tam Quan gồm 2 tầng với 3 lối đi, cửa giữa lớn hơn là lối đi chính. Nhìn qua, cổng Tam Quan giống kiểu kiến trúc của các đình, chùa truyền thống Việt Nam.

Bậc thang lên chính điện chùa Một Cột
Để lên chính điện của chùa Một Cột, du khách bước qua 13 bậc thang với chiều rộng khoảng 1,4m. Vì tồn tại và được xây dựng từ thời Lý nên vẫn còn giữ nguyên được nét cổ kính, trang nghiêm. Không chỉ vậy, hai hàng tường gạch hai bên còn có gắn bia đá giới thiệu sơ bộ về lịch sử hình thành của ngôi cổ tự này.

Liên Hoa Đài
Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc gồm nhiều công trình nhỏ xen lẫn trong khuôn viên chùa. Trong đó, điểm nhất là hình ảnh ngôi chùa có kiến trúc độc đáo đại diện cho toàn bộ quần thể chính là Liên Hoa Đài. Chùa có diện tích 3x3m, được xây dựng trên một cột đá đặt tại trung tâm một ao sen như hình tượng bông hoa sen chớm nở trên mặt hồ. Bên trong thờ Quán Thế Âm Bồ Tát.

Án thờ bên trong Liên Hoa Đài
Án thờ bên trong Liên Hoa Đài được trang trí lộng lẫy với tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng được đặt chính giữa. Xung quanh bày biện nhiều vật phẩm thờ như: Đôi lục bình gốm sứ, bình cắm hoa sen, bộ ấm chén thờ, lư hương bằng đồng. Ban thờ được sơn son thếp vàng trang trí nhiều họa tiết độc đáo. Trên trần phía trong cùng có đặt tấm hoành phi ghi 3 chữ "Liên Hoa Đài".

Mái ngói vẩy rồng
Mái chùa Một Cột được lợp bằng ngói vảy rồng truyền thống màu đỏ gạch phủ lên lớp rêu phong thời gian. Khi lợp ngói, mất công nhất là công đoạn ghép ngói ở góc xối sao cho không hở một khe nào.Vì đây là vị trí tiếp giáp giữa bốn cạnh của mái chùa thường có khe hở. Muốn lợp ngói ở vị trí này thuận tiện nhất thì ngay từ công đoạn đóng sối ghép các mối mộng phải thực hiện kín kẽ, ăn khớp với nhau.
Chùa Một Cột có bốn mái cong đầu đao vút lên trời hay còn gọi là "tàu đao". Mái chùa được đỡ bằng hệ thống thanh bẩy vươn ra sát với phía dưới. Trên đỉnh mái đắp hình "lưỡng long chầu mặt nguyệt". Đây là nét kiến trúc đặc trưng trong các chùa, chiền, đình, miếu. Hình lưỡng long uốn mình quay đuôi về phía nhau nhưng đầu đều hồi hướng về mặt nguyệt. Nét kiến trúc này là biểu tượng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa.

Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm. Tổng lại, thành con số 3 của sự sinh sôi. Cũng vì lẽ đó khi đến chùa người ta thường dâng 3 nén nhang biểu trưng cho 3 vật thể trong “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đây là một hình ảnh mang đậm chất nhân văn trong kiến trúc nghệ thuật tâm linh của dân tộc.
Hoa sen được xem là biểu tượng trong văn hóa Phật giáo, gợi lên đức tính thiện lương, kiên nhẫn, không nhiễm tạp, hành trực. Liên Hoa Đài được tạo tác theo hình tượng hoa sen đặt trên trụ đá cao giữa lòng hồ Linh Chiểu như đang vươn mình hướng lên thoát khỏi thế tục. Đây là hình ảnh vô cùng thanh tao, thuần khiết.
Hồ Linh Chiểu
Hồ Linh Chiểu có tường hoa bao quanh trang trí bằng các họa tiết hình khối. Bên ngoài cso đào thêm một hồ lớn nữa là hồ Bích Trì. Hồ này thuộc trong khuôn viên chùa Diên Hựu nằm ở bên phải chùa Một Cột. Trước sân chùa Diên Hựu đựng tháp đá Bạch Tuynh, từ tháp đá có cầu nhỏ dẫn vào chùa Một Cột.

Ngày Mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, ban quản lý thường tổ chức khánh tiết lau dọn và thực hành lễ cúng trong chùa. Nhân dân và Phật tử có thể đến tham quan, chiêm bái từ xa.
Cây bồ đề ở chùa Một Cột
Cây bồ đề nằm trong khuôn viên chùa Một Cột là một trong những món quà ý nghĩa mà tổng thống Ấn Độ dành tặng cho Bác Hồ. Bởi loại cây này mang tới những ý nghĩa Phật Giáo và những triết lý nhân sinh thú vị. Bên cạnh đó, món quà này vừa để tổng thống Ấn Độ đánh dấu đã ghé thăm ngôi chùa, vừa là thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa 2 quốc gia.
Bên dưới gốc bồ đề có đặt một bia đá với nội dung: "Cây bồ đề này nguyên gốc ở cây bồ đức Phật Thích Ca tu thành đạo tại Ấn Độ. Tháng 2 năm 1958, Tổng thống Rajendra Prasad đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang thăm Ấn Độ".
Vinh danh chùa Một Cột
Chùa Một Cột hiện nay dù không tráng lệ như năm xưa nhưng vẫn luôn là biểu tượng của sự hướng thượng; biểu tượng tự hào của sự nhân văn của người xưa - luôn như đóa sen thơm nở rộ, tâm trong sáng không nhiễm tạp niệm từ chốn nhân gian...

Chùa Một Cột hiện nay đã được công nhận, vinh danh:
- Năm 1962, Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu hiện đại (tức là quần thể chùa Diên Hựu xưa) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
- Ngày 4/5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là "Kỷ lục Việt Nam" và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á.
- Ngày 10/10/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất" cho chùa Một Cột.
Xem thêm: Chùa Trấn Quốc - "đài sen" thiêng trên mặt nước hồ Tây
Tin liên quan
Chùa Phật Tích Bắc Ninh không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng xứ Kinh Bắc mà nơi đây còn được biết tới với những huyền tích ly kỳ gắn với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoa bản địa.
Đầu xuân năm mới ngoài tục lệ thờ cúng gia tiên, người Việt còn thường tìm về các đền chùa để cầu phúc, cầu may mắn cho bản thân và gia đình. Dịp Tết Ất Tỵ 2025 này về Ninh Bình nếu chưa biết đi đâu thì du khách có thể tham khảo 3 ngôi đền linh thiêng dưới đây nhé!
Chùa Bà Đanh hay còn được gọi là Bảo Sơn Nữ là ngôi chùa cổ linh thiêng nổi tiếng tại Hà Nam, được mọi người biết đến với câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”.