Đặc sắc hội Lim Bắc Ninh - nơi tôn vinh một di sản văn hóa quan trọng của người Việt
Hội Lim là nơi giao lưu văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân ở vùng đất Kinh Bắc. Đây cũng là dịp để tôn vinh nghệ thuật hát dân ca Quan họ Bắc Ninh - một di sản văn hóa quan trọng của người Việt.
Mục lục
Hội Lim được tổ chức vào ngày bao nhiêu tháng Giêng?
Như đã chia sẻ bên trên, hội Lim được tổ chức trên địa bàn 3 xã là Nội Duệ, Liên Bão và thị trấn Lim thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Trong đó, đỉnh núi Lim là nơi diễn ra phần hội chính.

Hội Lim được tổ chức trong 2 ngày (ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm). Hội Lim cũng giống như rất nhiều lễ hội khác ở vùng Bắc Bộ, sẽ có 2 phần là phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như: dâng hương, lễ rước, lễ tế, các tiết mục dân ca Quan họ Bắc Ninh...
Di chuyển đến hội Lim Bắc Ninh như thế nào?
Để đến dự hội Lim, du khách có thể xuất phát từ điểm gốc là Thủ đô Hà Nội. Bởi khoảng cách giữa Hà Nội và địa điểm tổ chức hội Lim chỉ khoảng 30km, đường đi thuận lợi, không có gì quá khó khăn. Du khách có thể di chuyển bằng xe máy, xe ô tô con, xe khách hoặc xe bus:
- Xe máy: Nếu di chuyển bằng phương tiện này, du khách đi theo hướng Hà Nội - Long Biên để lên cầu Đuống hoặc đi theo QL1A, sau đó đến Đình Bảng. Tiếp tục đi thẳng sẽ gặp nơi tổ chức hội Lim.

- Xe khách: Du khách bắt xe từ bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Giáp Bát với giá cước khoảng 70.000 đồng - 100.000 đồng/chuyến. Điểm dừng là ngã ba Phú Thịnh hoặc ngã ba Tiên Du. Tiếp đó, du khách bắt xe ôm hoặc taxi đến chùa Lim.
- Xe bus: Du khách bắt chuyến xe số 54 từ Long Biên, giá vé khoảng 30.000 đồng/lượt.
Hội Lim Bắc Ninh có từ bao giờ, thờ ai, mang ý nghĩa gì?
Hội Lim Bắc Ninh có từ bao giờ?
Nhắc về nguồn gốc hội Lim thì có nhiều phiên bản truyền miệng khác nhau. Có lời truyền miệng cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương.
Theo Wikipedia, hội Lim là một sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hóa truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và Bắc Ninh, dân ca Quan họ đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Hội Lim vốn có lịch sử từ lâu đời và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú như: hát trống quân, hát chèo, hát ca trù, hát tuồng và hát quan họ... viên quận công Đỗ Nguyên Thụy - người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hằng năm, theo truyền thống "xuân thu nhị kỳ".

Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, thángTám với những quy định chung. Đồng thời, ông cũng là người xây dựng bước đầu những tục lệ của lễ hội vào mùa xuân.
Khoảng 40 năm sau, vào nửa thế kỷ thứ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn đã tiếp tục cho phát triển và đổi mới hội Lim. Ông là người cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng tám sang hẳn mùa xuân tháng Giêng. Ông cũng là người chi tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi.
Hội Lim được duy trì đều đặn trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, hội Lim không được mở trong nhiều thập kỷ cho đến tận những năm đổi mới. Sau khi đất nước thống nhất, hội Lim được tổ chức đều đặn vào tháng Giêng hằng năm.
Hội Lim thờ ai?
Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, trên đó có chùa Lim - đây là nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu (Nguyễn Đình Diễn) - người sáng lập ra tục hát Quan họ. Ông là vị quan trấu thủ xứ Thanh Hóa xưa, có công lớn với triều đình. Ông cũng là người đã phát triển hội Lim từ một lễ hội nhỏ ở đình làng trở thành hội hàng tổng (hội vùng) như ngày nay.

Không những vậy, ông Nguyễn Đình Diễn cũng được biết đến là ông tổ của văn hóa hát Quan họ. Theo mong muốn của ông, sau khi mất con cháu đã đưa ông lên chôn cất ở trên đỉnh núi Lim, dựng lăng mộ đặt tên là lăng Hồng Vân. Để tưởng nhớ công lao của vị quan này, nhân dân đã thay nhau hương khói quanh năm. Việc làm này được duy trì đến tận bây giờ.
Hội Lim Bắc Ninh có ý nghĩa gì?
Hội Lim Bắc Ninh được tổ chức với nhiều nghi lễ trang trọng và các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Hội Lim được tổ chức hằng năm trở thành nơi giao lưu văn hóa và tín ngưỡng của người dân Kinh Bắc. Đồng thời, đây cũng là dịp để tôn vinh nghệ thuật hát dân ca Quan họ Bắc Ninh - một di sản văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội Lim còn khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Du khách đến tham dự hội Lim có cơ hội được tìm hiểu thêm về nét đẹp truyền thống, tìm hiểu về nguồn gốc dân ca Quan họ và ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước.
Khám phá những nét đặc sắc chỉ có tại hội Lim Bắc Ninh
Các nghi thức đặc biệt trong phần lễ của hội Lim Bắc Ninh
Nếu đã từng tìm hiểu về hội Lim Bắc Ninh thì chắc hẳn du khách sẽ biết được, hội này có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Tất cả các hoạt động trong lễ hội này sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm.
Đầu tiên, với phần lễ sẽ có các nghi thức đặc biệt sau:
Lễ dâng hương
Đây là một trong những nghi thức quan trọng nhất của hội Lim. Lễ dâng hương được thực hiện vào sáng ngày 12 tháng Giêng.
Lễ dâng hương được thực hiện nhằm cầu mong sự bình an, phúc lộc và mùa màng bội thu cho bà con vùng Kinh Bắc. Nhân dân địa phương sẽ trở về chùa Hồng Ân (cũng là lăng của ông Nguyễn Đình Diễn) để dâng hương, dâng lễ gửi gắm những mong cầu về may mắn, sức khỏe, công danh, sự nghiệp.

Lễ rước
Vào đúng 7h30 ngày 13 tháng Giêng, lễ rước được thực hiện. Đây là phần nghi thức thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách thập phương. Những năm gần đây có hàng ngàn du khách đổ về, hòa vào không khí của lễ rước, có năm, lễ rước kéo dài đến cả kilomet.
Đứng đầu đoàn rước là các bô lão trong trang phục uy nghiêm và trang trọng, phía sau là kiệu hoa, các nhóm Quan họ, đại diện làng xã, ủy ban, nhân dân... Đoàn rước sẽ đi từ đình làng Đình Cả đến đình làng Lộ Bao.
Lễ tế
Đây là nghi thức cuối cùng để kết thúc phần lễ của hội Lim Bắc Ninh. Phần này được tổ chức vào chiều ngày 13 để nhân dân tạ lễ, nhận lộc. Bên cạnh đó, trong lễ tế có nghi thức hát thờ thần do ban Quan họ nam nữ của tổng Nội Duệ thực hiện. Đội hát xếp thành một hàng phía trước cửa lăng và hát vọng vào bên trong.
Các hoạt động đặc sắc trong phần hội của hội Lim Bắc Ninh
Sau khi kết thúc phần lễ trang trọng, nhân dân sẽ bước vào phần hội với các hoạt động thú vị, bổ ích như:
Tham gia các trò chơi dân gian
Tại hội Lim sẽ diễn ra một số trò chơi tiêu biểu như: đấu vật, đập niêu, cờ người, tổ tôm điếm, đu tiên, nấu cơm, thi dệt vải, đấu võ... Các trò chơi này góp phần cho hội Lim trở nên sôi động và quảng bá đến du khách những nét văn hóa vùng miền đặc trưng.

Hát hội - hoạt động không thể bỏ lỡ trong hội Lim
Bên cạnh các trò chơi dân gian sẽ là những tiết mục hát chèo hội Lim hay hát Quan họ hội Lim. Đây là dịp để các nam thanh nữ tú giao lưu, tìm hiểu, thể hiện tình cảm qua các câu hát. Hát hội sẽ diễn ra trên sông Tiêu Tương, tạo nên khung cảnh lãng mạn.

Vào buổi tối ngày 12 tháng Giêng sẽ là thời gian diễn ra phần thi ca múa hội Lim tại các sân đình, sân chùa. Những liền anh, liền chị mặc áo tứ thân, đội nón quai thao, áo the khăn đóng... cùng hát, tạo nên không gian nghệ thuật trữ tình, thơ mộng.
Một vài kinh nghiệm quan trọng khi đi hội Lim Bắc Ninh
Với những du khách lần đầu đến dự hội Lim Bắc Ninh thì hãy lưu một số kinh nghiệm dưới đây nhé:
- Nếu có điều kiện về thời gian và kinh tế, du khách nên đến hội Lim trước 2 - 3 ngày vì vào ngày hội chính (ngày 13 tháng Giêng) hội Lim vô cùng đông đúc.
- Nếu di chuyển bằng xe máy hoặc taxi, du khách nên đặt xe trước khoảng 1 tuần để tránh tình trạng hết xe, lỡ ngày hội.
- Khi đến hội Lim, du khách nên mặc trang phục gọn gàng, đơn giản, phù hợp với thời tiết.
- Khi đến hội Lim, du khách cần tự bảo quản tư trang cá nhân vì hội đông có thể xảy ra tình trạng rơi mất đồ cá nhân.
- Du khách cần giữ vệ sinh chung khi tham gia hội Lim, tránh chen lấn xô đẩy gây mất an ninh hội Lim.
Xem thêm: Lễ hội Bắc Ninh – Về vùng Kinh Bắc trẩy hội mùa xuân
Đọc thêm
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra nhằm giáo dục nhân dân truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Nội.
Bản Pa Phách không chỉ chiều lòng du khách với cảnh trí thiên nhiên đẹp như chốn tiên cảnh mà còn là điểm đến khám phá, nghỉ dưỡng lý tưởng trong những ngày xuân...