Phường mang tên tỉnh Bạc Liêu cũ và những điểm đến "có một không hai"
Sau sáp nhập, Bạc Liêu là phường có diện tích bé nhất tỉnh Cà Mau Mới. Thế nhưng, nơi đây lại sở hữu những điểm đến rất nổi tiếng như 2 công trình kỷ lục Việt Nam, nhà "Công tử Bạc Liêu".
Kể từ 1/7/2025, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau sáp nhập hình thành tỉnh Cà Mau mới. Tỉnh Cà Mau mới có 64 xã, phường. Phường Bạc Liêu được thành lập trên cơ sở các phường 1, 2, 3, 7, 8 của TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũ. Phường Bạc Liêu mới có diện tích tự nhiên hơn 29,7km2 và dân số trên 93.460 người.
Phường Bạc Liêu có diện tích nhỏ nhất nhưng lại có dân số đông nhất của tỉnh này. Phường Bạc Liêu giáp với phường Vĩnh Trạch, Hiệp Thành và các xã: Hòa Bình, Vĩnh Hậu, Hưng Hội, Vĩnh Lợi.

Tên gọi của phường được lấy từ tên tỉnh Bạc Liêu cũ. Nơi đặt trụ sở của phường Bạc Liêu hiện nay là trụ sở Thành ủy Bạc Liêu và UBND TP Bạc Liêu (cũ). Phường Bạc Liêu cách trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau hiện nay khoảng 70km và cách trung tâm TP Cần Thơ 110km.
Theo chính quyền địa phương, phường Bạc Liêu được định hướng tiếp tục phát triển các lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Trong đó có du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp...
Trên địa bàn phường Bạc Liêu hiện có một số điểm đến nổi bật như: Nhà "Công tử Bạc Liêu"; khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; quảng trường Hùng Vương; Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật và nhà hát cao Văn Lầu (còn gọi nhà 3 nón lá); đồng hồ Thái Dương (đồng hồ đá);…
Trong đó có 2 công trình đã được công nhận kỷ lục Việt Nam hơn 10 năm trước là “Khối nhà hình nón lá lớn nhất” (nhà 3 nón lá) và “Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất” (nằm trên quảng trường Hùng Vương).Hiện nhà 3 nón lá có một "nón" làm nhà hát (nhà hát Cao Văn Lầu được lấy tên của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang bất hủ) và "2 nón" làm bảo tàng trưng bày.

Còn cây đàn kìm cách điệu có bán kính 17m, cao hơn 18m, với thiết kế đầy đủ bộ phận như dây đàn, phím,... cơ bản giống như đàn thật.
Ngoài nhà hát, phường Bạc Liêu còn có Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ở đây, ngoài khu mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu còn trưng bày những loại nhạc cụ thường dùng trong đờn ca tài tử, sân khấu cải lương như sáo, song lan, các loại đàn... được tạc bằng đá tạo một không gian ấn tượng cho khu lưu niệm.
Đến phường Bạc Liêu thì nhất định phải ghé thăm nhà "Công tử Bạc Liêu" được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Khu nhà từng là nơi ở của đại gia đình "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy - người đàn ông với những giai thoại nổi tiếng như đốt tiền, mua máy bay thăm ruộng...

Thêm một công trình hiếm có nữa ở phường Bạc Liêu đó là chiếc đồng hồ Thái Dương (hay còn gọi là đồng hồ đá) do ông Lưu Văn Lang (còn gọi Bác Vật Lang, 1880-1969, là kỹ sư ngành công chánh đầu tiên của Nam bộ được đào tạo ở Pháp) xây dựng khoảng năm 1913.
Theo thông tin từ Bảo tàng Bạc Liêu (cũ), đây là chiếc đồng hồ xem giờ bằng ánh nắng mặt trời duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Độ sai lệch của đồng hồ này so với đồng hồ thông thường chỉ cách khoảng 5 - 7 phút.
Xem thêm: 11 điểm đến tuyệt vời nhất Việt Nam trong mắt du khách Tây
Tin liên quan
Dưới ánh bình minh, nhiếp ảnh gia Mai Anh Đến đã có những giây phút "săn" ảnh đẹp đến "nghẹt thở" cùng 2 chú cá voi tại bãi Nồm (Gia Lai).
Nếu bạn muốn tìm cách "mất kết nối" tạm thời với phố xá tấp nập thì đừng bỏ qua 2 điểm đến hoang sơ tại Khánh Hòa: Đảo Bích Đầm và Hòn Ông.
Để tối ưu chi phí du lịch Huế, xin gửi đến các bạn gợi ý về 7 homestay giá dưới 1 triệu đồng nhưng sở hữu không gian rất ổn.