Nô nức trẩy hội Yên Tử mùa xuân - “Kinh đô” Phật giáo của Việt Nam
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về là Phật tử, du khách thập phương lại nô nức tham dự lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) với mong cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Mục lục
Lễ hội Yên Tử diễn ra khi nào và ở đâu?
Lễ hội Yên Tử diễn ra từ mùng 10 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm. Lễ hội được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Lễ hội Yên Tử được xem là một trong những lễ hội mùa xuân lớn ở miền Bắc nói chung và Quảng Ninh nói riêng, gắn liền với câu ca dao:

“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”.
Trong suốt 3 tháng diễn ra lễ hội, hàng vạn du khách, Phật tử từ khắp mọi nơi sẽ thực hiện cuộc hành hương về đất Phật để dâng hương vãn cảnh, cầu nguyện cho một năm mới ấm no, sung túc và bình an.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Yên Tử
Vùng núi Yên Tử là một khu vực rộng lớn, hùng vĩ với 11 ngôi chùa và hàng trăm am, tháp được bao phủ bởi rừng cây, sông suối mang lại vẻ đẹp bình yên, thoải mái cho người ghé đến. Từ xưa kia, nơi đây đã được các vua chúa xếp vào hạng “danh sơn” của nước ta. Gần 1000 năm trước, sử sách có ghi lại rằng, Yên Tử được coi là “phúc địa thứ 4 của Giao Châu”. Nhiều tài liệu cũ cũng ghi chép rằng “Năm Tự Đức thứ 3, núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điện thờ”.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, Yên Tử còn là là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Vua Trần Nhân Tông sau khi từ bỏ ngai vàng đã chọn vùng đất này làm nơi tu hành và khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm – dòng Phật giáo đặc trưng của Việt nam. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm, mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cùng với sự phát triển dòng thiền Trúc Lâm, các công trình kiến trúc gồm chùa, am, tháp, mộ, bia tượng cũng được hình thành tại vùng núi Yên Tử. Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài gần 20km, tạo thành Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.
Không ai biết lễ hội Yên Tử được hình thành chính xác từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thế kỷ 17-18 cho đến nay, cứ mỗi dịp đầu xuân hằng năm, chùa Yên Tử lại rộn ràng tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Nghi thức lễ hội Yên Tử
Ngay trước ngày lễ hội chính thức diễn ra, Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành nghi lễ mở cửa rừng Yên Tử. Các vị sư thầy sẽ cùng với nhân dân địa phương thực hiện dâng hương, tụng kinh niệm Phật, tế cáo đất trời, kinh Phật tổ và các vị sơn thần để cầu cho một mùa lễ hội diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Đây được xem là nghi lễ mở màn lễ hội Yên Tử, là lời xin phép thần linh.

Vào sáng mùng 10, tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, các vị chư tăng hòa thượng sẽ bắt đầu thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an, sau đó các vị đại biểu sẽ lần lượt thực hiện đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử. Ngoài những tiết mục văn nghệ quy mô, phần lễ còn có các hoạt động thú vị đặc sắc như thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm,…

Sau khi kết thúc nghi lễ khai hội, du khách sẽ được tham quan khu Trung tâm lễ hội Yên Tử, thượng sơn lễ Phật hoặc tham gia vào các trò chơi dân gian thú vị như ném còn, kéo co, chọi gà, giải cờ tướng,… Tại phần hội, du khách còn được thưởng thức các màn trình diễn độc đáo như võ thuật cổ truyền, nghệ thuật múa rồng, trình diễn văn nghệ truyền thống,…
Song song với phần hội dưới chân núi, du khách còn có thể di chuyển đến đỉnh núi Yên Tử, nơi có ngôi chùa Đồng linh thiêng, cổ kính để dâng hương, cầu may mắn bình an trong ngày đầu xuân năm mới.
Kinh nghiệm khám phá lễ hội Yên Tử chi tiết
Cách di chuyển đến lễ hội Yên Tử
Bạn có thể di chuyển đến Yên Tử bằng nhiều phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy, xe khách,… tùy theo nhu cầu và tài chính của bản thân.

- Di chuyển bằng phương tiện cá nhân ( ô tô, xe máy): Tuyến đường từ trung tâm TP.Hà Nội đến Khu du lịch Yên Tử Quảng Ninh khoảng tầm 140km. Xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể đi theo lối cầu Chương Dương qua Nguyễn Văn Cừ, tiếp tục đi theo hướng QL18 để đến Bắc Ninh. Từ đây bạn đi thẳng, gặp chùa Trình thì rẽ trái, đi thêm khoảng 10km nữa sẽ đến Yên Tử. Khi đi bạn có thể dùng Google Maps để thuận lợi cho việc di chuyển.
- Di chuyển bằng xe khách: Từ Hà Nội bạn có thể bắt các chuyến xe đi Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long để đến Khu du lịch Yên Tử. Bạn có thể xuống xe ở đoạn chùa Trình nằm trên đường QL18. Từ đây, bạn có thể bắt xe buýt để đến Yên Tử với giá vé 10.000 đồng/lượt.
Giá vé tham quan Yên Tử
Tham quan Yên Tử không mất vé, tuy nhiên nếu muốn đi cáp treo lên đỉnh núi bạn có thể tham khảo:

Vé khứ hồi: 350.000 đồng/người
Vé một chiều: 200.000 đồng/người/tuyến
Người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 1,2m: Miễn phí
Một số lưu ý khi trẩy hội tại Yên Tử
Để có một chuyến du xuân đáng nhớ tại lễ hội Yên Tử, du khách nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Trang phục du khách nên lựa chọn những trang phục kín đáo, lịch sự và thoải mái bởi Yên Tử là chốn linh thiêng, lại nằm ở núi cao cần di chuyển, đi lại nhiều. Ngoài ra, du khách cũng nên chọn cho mình những đôi giày, dép thoải mái, tiện cho việc vận động đi lại nhiều.
- Nếu có ý định đi lên đỉnh núi, du khách nên đem theo nước uống, đồ ăn nhẹ và gậy chống đi bộ để việc đi lại được thuận tiện, dễ dàng hơn.
- Vào dịp lễ hội Yên Tử sẽ có rất đông người, du khách nên cẩn thận bảo quản tiền bạc, các vật dụng có giá trị đề phòng việc chen lấn, mất túi.
Hy vọng với những thông tin, kinh nghiệm mà Người du lịch chia sẻ trên đây, bạn sẽ c cho mình một chuyến du xuân trải nghiệm thú vị, ý nghĩa tại Yên Tử.
Xem thêm: Trẩy hội chùa Hương – Hành trình về miền đất PhậtTrẩy hội chùa Hương – Hành trình về miền đất Phật
Tin liên quan
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra nhằm giáo dục nhân dân truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Nội.
Lễ hội chùa Hàm Long Bắc Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng, vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh và giải mã thắc mắc về nơi được mệnh danh là "đệ nhất nhốt trùng".
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định là lễ hội lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, thu hút rất nhiều du khách đến tham gia, cầu may mắn bình an và công danh tài lộc.