Gợi ý những điểm xuất hành đầu xuân Ất Tỵ 2025 của người Phú Thọ
Mùng 1 Tết Ất Tỵ 2025, người dân có thể tới một số đền, chùa linh thiêng ở Phú Thọ để cầu bình an, may mắn cho gia đình và người thân.
Mục lục
- Đền Hùng - Cội nguồn của dân tộc Việt Nam
- Đền Âu Cơ - Cội nguồn con lạc cháu Hồng
- Đền Lạc Long Quân - Nơi quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh về nơi đất thiêng
- Thiên cổ miếu - Di tích quý về nền học vấn thời đại Hùng Vương
- Đền Tam Giang - chùa Đại Bi
- Đình Hùng Lô - Nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng
Đối với người Việt, đi đền, đi chùa đầu năm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, ở Phú Thọ - vùng đất tổ, nơi khai sinh lập quốc của dân tộc, việc đi lễ đầu năm càng trở nên ý nghĩa và linh thiêng hơn.
Ở bài viết này, Người Du Lịch xin phép gợi ý đến bạn một số địa điểm tâm linh phù hợp cho chuyến xuất hành đầu năm Ất Tỵ 2025:
Đền Hùng - Cội nguồn của dân tộc Việt Nam
"Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn" - câu ca ấy sống mãi cùng năm tháng, đi suốt chiều dài lịch sử kể từ buổi đầu các vua Hùng dựng nước, lập nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Để ghi nhớ công ơn của các vua Hùng, Nhà nước ta chọn ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
Thế nhưng, vào dịp Tết đến xuân sang, nhân dân vẫn thường xuyên về đền Hùng (thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng và chiêm bái vãn cảnh.

Đền Hùng là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia với kiến trúc gồm 4 đền, 1 lăng tẩm và 1 ngôi chùa có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hội tụ đủ yếu tố sơn thủy hữu tình.
Hiện nay, ở gần Công Quán (nơi tiếp khách thập phương) có Bảo tàng Hùng Vương trưng bày rất nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hóa đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt... Dịp xuân Ất Tỵ 2025, du khách về đền Hùng có thể đến bảo tàng tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc thời đại Hùng Vương.
Đền Âu Cơ - Cội nguồn con lạc cháu Hồng
Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ tự Tổ Mẫu Âu Cơ.
Từ lâu trong tâm thức muôn dân đất Việt, Đền Mẫu Âu Cơ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Tín ngưỡng này đã trở thành nét đẹp trong tinh hoa văn hóa người Việt, là biểu tượng linh thiêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt. Được ra đời và tồn tại trên vùng Đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng; thể hiện niềm tin của người dân Việt vào nguồn cội thiêng liêng, cao quý của dân tộc đã hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, góp phần củng cố sự tồn tại của biểu tượng dân tộc.

Dịp Tết đến xuân sang, về dâng hương đền Mẫu Âu Cơ cũng là nét đẹp trong văn hóa của người dân Đất Tổ. Thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào cội nguồn văn hóa dân tộc. Đặc biệt, cứ đền ngày 7 tháng Giêng - ngày Mẫu hóa, nhân dân lại mở lễ hội để cúng tế và tổ chức các hoạt động tưởng nhớ, tri ân công đức của Thánh Mẫu. Vào dịp này, du khách có thể đến đây để hòa chung vào không khí lễ hội.
Ngoài dân lễ, nhân dân có thể đến đền Mẫu Âu Cơ để chiêm bái kiến trúc 5 gian. Mỗi gian có cột gỗ được lợp mái bằng ngói, phía sau đền là cây cổ thụ quanh năm phủ bóng mát. Trong đền có tượng Quốc mẫu Âu Cơ cao 0,94 mét, đội mũ kim cương lấp lánh, hình dáng thanh tú, phúc hậu, đi đôi hài cong được đặt trên ngai vàng. Ấn tượng nhất là xung quanh ngai vàng được chạm trổ và điêu khắc mai, rồng, tùng, cúc tinh xảo. Toàn bộ cột kèo trong đền mẫu đều được chạm trổ bằng sơn son thiếp vàng sang trọng.
Đền Lạc Long Quân - Nơi quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh về nơi đất thiêng
Đền Lạc Long Quân tọa lạc ở đồi Sim, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km. Đây là nơi có vị trí đắc địa, có thế "sơn chầu thủy tụ". Đồi Sim có hình thế giống con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi ra biển. Đền nằm trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng huyền diệu. Đền Lạc Long Quân có các hạng mục: đền chính, cổng, trụ biểu, cổng biểu tượng, phương đình, nhà tả vũ, hữu vũ, lầu hóa vàng, các công trình phụ trợ...

Khi ghé thăm đền dịp xuân Ất Tỵ 2025, nhân dân sẽ được chiêm ngưỡng hồ cá chép nằm dưới hồ Tróc Trai. Khu cổng tam quan gồm 4 cột đá được chạm họa tiết hoa văn tinh tế và uy nghi, linh thiêng với hình người giã gạo, đàn chim. Hai bên sân của đền là nhà hữu vu và tả vu được lợp gỗ lim, lợp mái ngói tất cả gồm 5 gian. Đền Lạc Long Quân là một trong những điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi tới đền Hùng.
Thiên cổ miếu - Di tích quý về nền học vấn thời đại Hùng Vương
Thiên cổ miếu (đền Thiên Cổ) tọa lạc trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Việt, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đây là nơi thờ tự vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng hai người học trò là công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng thứ 18.
Hiện Thiên cổ miếu nằm trong quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và Đền Thiên Cổ đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử ngày 28/1/1999. Nhiều năm trở lại đây, đền được coi là điểm đến lý tưởng mang ý nghĩa về sự hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt.

Vào dịp đầu năm mới, nhân dân có thể đến thắp hương để cầu may mắn, an lành, cầu sự thông tuệ, sáng suốt trong con đường học vấn. Đặc biệt, có một ngôi trường mang tên người thầy giáo Vũ Thê Lang nằm cách miếu 4 cây số, trường đã đưa di tích vào các bài giảng để dạy dỗ các thế hệ học trò. Tỉnh Phú Thọ đã quyết định đặt tên con đường đi qua Đền đang được mở rộng là đường Vũ Thê Lang.
Đền Tam Giang - chùa Đại Bi
Đền Tam Giang - chùa Đại Bi tọa lạc ở phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đây là cụm di tích lịch sử văn hóa có vị trí tiếp giáp với sông Đà, sông Hồng và sông Lô. Nơi đây sở hữu phong cảnh sơn thủy hữu tình nên từ lâu đã trở thành điểm lễ bái và vãn cảnh nổi tiếng ở thành phố Việt Trì.
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.

Đền Tam Giang là nơi thờ tự nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương là thần Thổ Lệnh, ông là thần làng - thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm ra phương thuốc quý chữa bệnh cho nhân dân. Khi mất, ông còn linh ứng giúp các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Ngôi đền còn thờ Đức Thánh Bà Quách A Nương - nữ tướng tài của Hai Bà Trưng. Bà hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng cùng các chị em dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán, giành độc lập. Đền thờ nhân vật lịch sử triều Trần là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật - con thứ 6 của Trần Thái Tông. Ông có công thu phục chúa đạo Đà Giang trấn giữ vùng Tây Bắc, lập phòng tuyến Bạch Hạc suốt 30 năm.
Còn chùa Đại Bi là cổ tự do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328) đã có gần 700 năm tuổi.
Đình Hùng Lô - Nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng
Quần thể di tích lịch sử văn hóa đình Hùng Lô tọa lạc ở làng cổ Hùng Lô, xã Hùng Lô, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền, vào đời Lê Hy Tông (1697), người dân nơi đây đã dựng miếu để thờ phụng Vua Hùng đời thứ 18, hướng về núi Nghĩa Lĩnh, nơi đóng đô của Hùng Vương.
Năm xưa kia Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần đi du ngoạn, săn bắn. Đến vùng đất Hùng Lô, thấy cảnh đẹp, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt nên dừng nghỉ chân. Khi Vua Hùng đến, các bô lão và thần dân ra nghênh đón. Từ những đời sau, người dân lập miếu thờ Vua Hùng để tỏ lòng biết ơn.

Đình cổ Hùng Lô là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: tòa Đại đình, Phương đình, Lầu chuông, Lầu trống, Nhà tiền tế... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu... Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái; cả ba gian đều có bàn thờ. Các gian tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ. Từ đó đến nay, ngôi đình chỉ trải qua 1 - 2 lần tu bổ nhỏ, còn cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc giá trị đình cổ thời vua Lê.
Vào dịp tết đến xuân sang, đình Hùng Lô không chỉ là nơi để nhân dân đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Hùng Vương mà còn là nơi để nhân dân hòa mình vào không khí lễ hội và các điệu hát Xoan truyền thống.
Xem thêm: Đình Hùng Lô - Bảo tàng thu nhỏ gắn liền với thời đại khai sinh lập quốc
Tin liên quan
Lễ hội xuân đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Phú Thọ. Các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm nhằm tôn vinh các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước...
Thịt chua là đặc sản nức tiếng, là niềm tự hào của người Mường nói riêng và người Phú Thọ nói chung.
Thác Vạn Mơ là một trong những điểm "chữa lành" lý tưởng tại Đất Tổ Phú Thọ, giúp du khách xua tan mệt nhọc ở nơi phố thị vội vã...