Cặp du khách lớn tuổi bị AI "lừa" đến điểm du lịch không tồn tại ở Malaysia
Cặp du khách lớn tuổi sống tại Kuala Lumpur đã di chuyển hơn 300km đến điểm du lịch được giới thiệu trong video do AI tạo. Khi đến nơi, họ ngã ngửa vì phát hiện điểm đến không có thật.
Cặp du khách lớn tuổi này đã đến làng Kuak Hulu thuộc thị trấn Gerik, bang Perak, phía bắc Malaysia để tham quan tuyến cáp treo mà họ đã thấy trong một video được đăng tải trên mạng xã hội. Thế nhưng khi đến khách sạn nhận phòng và hỏi nhân viên đường đi thì mới phát hiện, điểm đến được giới thiệu trong video do AI tạo ra không tồn tại.
Được biết, video mà cặp du khách này xem dài gần 3 phút, bắt đầu với cảnh một nữ phóng viên của kênh "TV Rakyat" giới thiệu về tuyến cáp treo và phỏng vấn du khách Thái Lan. Sau đó là hình ảnh du khách xếp hàng mua vé. Phần tiếp theo của video ghi lại cảnh cáp treo di chuyển đi qua rừng thông, suối nước, đàn huơu gặm cỏ và kết thúc ở gần chân núi Baling, thuộc bang Kedah ở phía tây bắc Malaysia.
Đoạn video còn có cảnh một bà lão đứng phía sau nữ phóng viên thực hiện động tác đồng cây chuối. Tuy nhiên, phần chân và cơ thể của bà hòa vào nhau thành một khối méo mó trong lúc nhào lọn, rồi trở lại bình thường khi bà tiếp đất.

"Tôi đã giải thích với du khách rằng video được tạo bởi AI, cả địa điểm lẫn nữ phóng viên đều không có thật", nhân viên khách sạn nói, cho biết cặp vợ chồng rất hoang mang và muốn kiện người đứng sau kênh truyền hình.
Nữ du khách cho biết, không thấy bất kỳ bình luận nào ở bên dưới video cảnh báo đây là nội dung giả mạo. Nhân viên cho biết, cặp vợ chồng đã tự lên đường đi du lịch mà không hỏi ý kiến con cái trước khi đi.
Vụ việc này được chia sẻ trên Threads hôm 30/6 và lan truyền rộng khắp Malaysia. Chủ nhân bài viết kêu gọi mọi người nên kiểm tra trước những điểm đến mà cha mẹ mình dự định đi tới khi thực hiện chuyến du lịch. Cảnh sát địa phương cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng và xác minh thông tin khi xem video du lịch hoặc nội dung trực tuyến tương tự.
Ahmad Salimi Md Ali, cảnh sát trưởng khu vực núi Baling, hôm 3/7 cho biết giới chức chưa nhận được khiếu nại chính thức và không có dự án cáp treo nào tồn tại trong khu vực. Ông cũng nói thêm rằng các cuộc kiểm tra ban đầu đã xác nhận đoạn video hoàn toàn là bịa đặt.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tin vào nội dung lan truyền nếu chưa được xác thực. Trong thời đại truyền thông do AI tạo ra, thông tin sai lệch có thể dễ dàng lan rộng và gây hoang mang", ông nói.
(Theo Straits Times)
Tin liên quan
Theo video ghi lại, trong lúc cất cánh ở biển bãi Bãi Cháy, chiếc dù lượn gắn động cơ bất ngờ lao vào du khách, trong đó có một trẻ nhỏ.
Mặc quần legging lên máy bay không phải là điều "cấm kỵ", song đó không phải lựa chọn tối ưu về mặt an toàn, vệ sinh và sức khỏe. Điều này đã được chuyên gia hàng không cảnh báo.
MXH xuất hiện video quảng cáo tour du lịch câu mực đêm ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đáng nói, hoạt động này chưa được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên biển.