Hừng hực không khí 30/4 ở đầu cầu Hà Nội: Hàng loạt di tích, bảo tàng cùng tái hiện hành trình thống nhất qua hàng trăm hiện vật lịch sử
Hòa chung không khí kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng loạt di tích, bảo tàng ở Hà Nội mở cửa trưng bày, tái hiện ký ức hào hùng của dân tộc.
Mục lục
Ở Hà Nội, từ các di tích lịch sử đến bảo tàng, những không gian văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử đã khoác lên mình sắc cờ đỏ thắm, tái hiện lại ký ức về một thời khói nửa và niềm hạnh phúc vỡ òa khi non sông nối liền một dải.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - "Non sông liền một dải"
Địa chỉ: 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian: Từ ngày 22/4/2025 đến tháng 8/2025.
Giờ mở cửa:Thứ 3 - Chủ Nhật hàng tuần (8h-12h; 13h30-17h)
Giá vé: 40.000 đồng/người
Kể từ ngày 22/4, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chính thức mở cửa chuyên đề trưng bày "Non sông liền một dải". Triển lãm này quy tụ 150 tư liệu và hiện vật được chia làm 3 phần: Khát vọng thống nhất, Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt Nam là một, và Non sông liền một dải.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày chuyên đề "Non sông liền một dải" giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về khát vọng hòa bình, ý chí thống nhất, tình đoàn kết gắn bó keo sơn không thể chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc.

Qua đó, khơi gợi niềm tự hào, ý thức tự lực tự cường, tạo động lực tích cực cho mỗi người dân Việt Nam thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; vượt mọi khó khăn, đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhà tù Hỏa Lò - "Khúc ca hòa bình"
Địa chỉ: Số 1, phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Giờ mở cửa: Từ 8:00 đến 17:00, không nghỉ trưa, áp dụng cho tất cả các ngày trong tuần
Giá vé: 50.000đồng/người
Sáng ngày 23/4, Ban Quản lý Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề "Khúc ca hòa bình" với sự tham dự của nhiều nhân chứng lịch sử. Trưng bày gồm 3 nội dung: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhất, Đất nước trọn niềm vui.

Trong không gian trưng bày, công chúng được tiếp cận nhiều tư liệu, hình ảnh về phong trào thi đua "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai" (Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1964); hình ảnh người lính, y bác sĩ, thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Đến với triển lãm Khúc ca hòa bình, người xem còn có cơ hội được sống lại những năm tháng hào hùng và cảm nhận sâu sắc nhiệt huyết của thế hệ thanh niên thời bấy giờ, thông qua những tư liệu và hình ảnh đặc biệt về những người con ưu tú của dân tộc.
Bảo tàng Hà Nội - "Ký ức ngày Thống Nhất"
Địa chỉ: Đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Giờ mở cửa: Thứ 3 - Chủ Nhật hàng tuần (8h-11h30; 13h30-17h).
Giá vé: 30.000 đồng/người
Hướng tới cột mốc trọng đại - 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 12/4, Bảo tàng Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Công ty TNHH Mind Group đã chính thức khai mạc triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” và không gian trưng bày “Ký ức ngày Thống Nhất”. Đây là hành trình đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp kiêu hãnh, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam giữa những năm tháng chiến đấu khốc liệt - nơi tà áo dài không chỉ là biểu tượng của nét đẹp văn hóa mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường, lòng yêu nước và sự hi sinh thầm lặng.

Gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý được chọn lọc kỹ càng đã tái hiện chân thực hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến từ chiến hào đến các diễn đàn quốc tế. Những kỷ vậy như áo dài, thư tay, đơn tình nguyện, hay tư liệu về các nữ anh hùng như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Quý... không chỉ kể lại câu chuyện cá nhân mà còn phản ánh tinh thần kiên cường và vẻ đẹp bất khuất của cả một thế hệ.


Những kỷ vật của các liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Quý,... khiến nhiều người không khỏi bồi hồi, xúc động
Bên cạnh đó, không gian trưng bày còn giới thiệu các hiện vật gắn liền với Hà Nội thời khói lửa như còi báo động, hầm phòng không, đây là những chi tiết quen thuộc với người dân Thủ đô trong giai đoạn 1966–1972. Còi báo động từng được lắp trên nóc Nhà máy Cơ khí Hà Nội, phát tín hiệu khi máy bay Mỹ xuất hiện. Hầm phòng không được tái hiện từ nguyên mẫu tại phố Phan Chu Trinh, giúp người xem hình dung rõ hơn cuộc sống trong bom đạn. Triển lãm không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn truyền cảm hứng về lòng yêu nước, sự hy sinh và khát vọng hòa bình.
Triển lãm tương tác của Báo Nhân Dân
Địa điểm: 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian: Từ ngày 23/4 đến hết ngày 4/5/2025
Giờ mở cửa: 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày, miễn phí vé vào cửa
Triển lãm tương tác đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam ngay trong khuôn viên Báo Nhân Dân đã tái hiện lại hành trình 50 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam thông qua 11 trang nhất Báo Nhân Dân được chọn lọc từ các mốc lịch sử. Bên cạnh đó là các tư liệu, hình ảnh và mô phỏng những chiến dịch quan trọng, từ Chiến dịch Tây Nguyên cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Điểm đặc biệt ở triển lãm này là người xem có thể quét mã QR để tìm hiểu sâu hơn về từng trận đánh, với phần đồ họa tương tác giúp tiếp cận thông tin trở nên sinh động và dễ hiểu hơn. Không gian mở, dễ tiếp cận cho các bạn trẻ tìm hiểu lịch sử qua góc nhìn mới.
Hoàng thành Thăng Long - "Con đường thống nhất"
Địa điểm: 19c Hoàng Diệu, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian: Từ ngày 28/4/2025 đến ngày 31/5/2025
Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 hàng ngày
Vé vào:
-Giá vé áp dụng cho du khách Việt Nam và Quốc tế: 100.000đồng/người/lượt; 50.000đồng/người/lượt với các đối tượng đặc biệt.
-Miễn phí vé tham quan cho người có công với cách mạng và những cựu chiến binh dịp 30/4.
Triển lãm “Con đường thống nhất” mở cửa đón khách từ ngày 28/4 - 31/5 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), nơi Nhà và Hầm D67 được gìn giữ như một biểu tượng bất khuất của ý chí chiến đấu và tầm nhìn chiến lược trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Triển lãm trưng bày hơn 200 tài liệu, hình ảnh quý giá, giới thiệu tới công chúng 3 chủ đề: “Quyết định chiến lược của Tổng hành dinh”, “Một ngày bằng 20 năm” và “Tiến về Sài Gòn”. Mỗi chủ đề là một mốc son tái hiện chân thực diễn biến và chiều sâu trong quyết sách của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, được đưa ra ngay từ trong lòng Hầm D67, nơi đã từng chứng kiến những giờ phút lịch sử định đoạt vận mệnh dân tộc.

Ngoài hoạt động trưng bày, nhân dịp này Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng triển khai kế hoạch chỉnh lý tổng thể di tích Nhà và Hầm D67, phục hồi màu sắc gốc của công trình, đồng thời từng bước hiện đại hóa cách tiếp cận di sản qua dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong diễn giải lịch sử. Dự án sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, kịch bản thuyết minh, nội dung multimedia và phim 3D, nhằm truyền tải lịch sử cách mạng một cách sinh động, trực quan hơn tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Xem thêm: Chàng trai khuyết tật chạy xe 3 bánh vượt 1.500km vào TP HCM xem diễu binh
Tin liên quan
Chia sẻ về hành trình của mình, chàng trai khuyết tật – Nguyễn Viết Quân, nói: “Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những vùng đất thiêng liêng mà cha ông ta đã hy sinh máu xương để giữ lấy tự do. Tôi cũng muốn được thấy sự phát triển, hòa bình của đất nước mình, không qua màn hình mà qua đôi mắt và trái tim đầy cảm xúc”.
Cùng với người bạn đồng hành – chiếc xe thồ của ông nội, tôi nhất định sẽ dừng bánh tại TP.HCM đúng ngày 30/4, tận mắt xem diễu binh, mừng 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xin phép gửi đến những người yêu nước gợi ý lịch trình 24h đi “concert Quốc gia” (ngày 30/4). Bài viết gồm các hoạt động, điểm tham quan, ăn uống tại TP Hồ Chí Minh.