Chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ - nơi giữ gìn và tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) là biểu tượng linh thiêng cho cội nguồn con Lạc cháu Hồng; là nơi gìn giữ và tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - người Mẹ của muôn dân đất Việt...
Mục lục
- Đền Mẫu Âu Cơ ở đâu Phú Thọ?
- Đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng từ khi nào?
- Đến Mẫu Âu Cơ thờ ai và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ liên quan đến truyền thuyết gì?
- Chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ mùa nào đẹp nhất và cách di chuyển thế nào?
- Vãn cảnh đền Mẫu Âu Cơ và hòa mình vào không khí lễ hội
- Một số lưu ý quan trọng khi đến chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ ở đâu Phú Thọ?
Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, thời các vua Hùng dựng nước. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây vẫn giữ được dấu ấn của những buổi đầu bình minh dựng nước của dân tộc. Phú Thọ có hệ thống giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Trong đó không thể không nhắc đến Đền Hùng - Khu Di tích quốc gia đặc biệt; Hát Xoan, Ca Trù, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... Và đương nhiên, không thể không nhắc đến "Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ" - người Mẹ của muôn dân đất Việt tại đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Đền Mẫu Âu là công trình kiến trúc linh thiêng với kết cấu kiến trúc của đền chùa cổ. Trong đền có các pho tượng quý như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật quý giá. Khu vực đền là một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m với tường bao quanh.
Ngày 3/8/1991, đền Mẫu Âu Cơ được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đến ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng từ khi nào?
Theo nhân dân địa phương, ban đầu nơi thờ tự Mẫu Âu Cơ chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Nhân dân trong vùng dựng lên để làm nơi thờ tự, tưởng nhớ công ơn của bà đối với toàn dân tộc Việt Nam.
Nhưng đến thời vua Lê Thánh Tông (năm 1465), vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành Đền Mẫu Âu Cơ như ngày nay, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng, coi sóc.
Vào thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và cho xây dựng đền. Đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn một lần nữa phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ.

Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc dưới gốc cây cổ thụ xum xuê. Hai bên của đền là giếng nước với tên Phượng và Loan. Phía trước là dãy núi Giác còn phía sau lưng là sông Hồng. Mặc dù đền không uy nghi như những ngôi đền khác trong vùng nhưng cho đến nay vẫn giữ được dáng vẻ linh thiêng, cổ kính từ hàng nghìn năm trước.
Đền Mẫu Âu Cơ được thiết kế gồm 5 gian, với cột gỗ lim và mái ngói lợp hình vảy rồng. Trong đền thờ bức tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0,95m được bố trí đặt trên ngai vị, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, hai tay đặt lên đầu gối, chân đi hài mũi nhọn.
Ngoài ra, trong đền còn đặt nhiều pho tượng quý khác như tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá.
Đến Mẫu Âu Cơ thờ ai và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ liên quan đến truyền thuyết gì?
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ bắt nguồn từ truyền thuyết trăm trứng, trăm con của Mẹ Âu Cơ - người Mẹ của Bách Việt. Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại đền "Ngọc phu nhân Quốc mẫu Âu Cơ cổ truyền" (lập từ thời vua Lê Thánh Tông, được Thượng thư Nguyễn Hiền sao lục) có nói: "Thánh Mẫu (Âu Cơ) lúc tuổi già thường đi ngao du sơn thủy. Vào màu xuân, ngày 7 tháng Giêng đến đây (Hiền Lương) thấy núi non sơn thủy hữu tình, đông đúc khí thiêng, là nơi sinh ra anh hào. Lập tức truyền dừng xa giá, trú tại bản trang, lập trại, mệnh cho một vương tử ở đây để khai hóa nhân dân.
Sau mỗi năm, Thánh Mẫu ắt đến trại một lần để thăm quang cảnh vật trù dân phú, phong tục thuần hậu, bèn triệu tập phụ lão trong trang đến tuyên thị đức ý và dạy dân biết lấy đường mía và gạo nếp làm thành bánh chay để dùng vào việc cúng tế mùa xuân. Thánh Mẫu cùng dân vui vẻ. Dân trong trang hàm ý kính yêu thánh Mẫu như từ mẫu, vỗ về an ủi như thần tiên xuống trần giới. Hạc giá bay về trời, đó là ngày 25 tháng 12, mùa Đông. Triều đình truyền lễ thành phục, truyền chỉ toàn quốc để tang. Sau triều đình xem xét biết thánh Mẫu lập trại ở bản trang, bèn sai sứ giả đến bản trang triệu tập nhân dân lập đền kỷ niệm thờ tự, bốn mùa quanh năm hưởng cúng tế”.

Sau khi Thánh Mẫu thác đi, nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ Mẫu ngay dưới gốc đa cổ thụ, nơi dải lụa của Mẫu còn vương lại, làm nơi thờ cúng, để tỏ bày lòng thương nhớ, tri ân Thánh Mẫu. Cách đền khoảng 500 mét về phía đông, nhân dân Hiền Lương còn cho xây dựng ngôi đình làm nơi thờ tự Đức Thánh Cả (Đức ông Đột Ngột Cao Sơn) và hai người con của ngài là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc.
Cũng kể từ đó, việc thờ cúng Thánh Mẫu (Tổ Mẫu) tại đền Mẫu Âu Cơ càng ngày càng đi vào nề nếp. Nhân dân Hiền Lương duy trì việc đó đến tận ngày nay. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng (được gọi là ngày Mẫu hóa) nhân dân sẽ mở lễ hội để cúng tế và tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Thánh Mẫu với nhân dân trong vùng.
Cho đến nay, việc thờ cúng Thánh Mẫu trở thành tín ngưỡng của nhân dân nơi đây và là nhu cầu tâm linh quan trọng bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ cúng các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu được gọi là "Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ".
Chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ mùa nào đẹp nhất và cách di chuyển thế nào?
Chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ mùa nào đẹp nhất?
Đền Mẫu Âu Cơ mở cửa quanh năm để đón du khách đến tham quan, đón nhân dân về chiêm bái, tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu với nhân dân Bách Việt. Vì thế, mọi người có thể đến địa chỉ tâm linh này vào bất kỳ mùa nào trong năm.

Tuy nhiên, mùa được xem là đẹp nhất để đến đền Mẫu Âu Cơ là mùa xuân - mùa lễ hội. Bởi vì, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Lúc này, nhân dân sẽ tổ chức rước kiệu, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Về Phú Thọ vào dịp này, du khách còn có cơ hội được tham gia nhiều lễ hội ở các đền chùa khác trong vùng.
Di chuyển đến đền Mẫu Âu Cơ thế nào?
Đền Mẫu Âu Cơ nằm ngay sát quốc lộ 32C, hệ thống giao thông tiếp cận điểm du lịch văn hóa tâm linh gồm có đường giao thông kết nối từ quốc lộ 32 C hoặc kết nối nút giao IC11, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo đường quốc lộ 70 đến khu di tích, hệ thống đường vào khu di tích đã được đầu tư trải nhựa nên chất lượng hạ tầng giao thông tốt, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến.
Trong trường hợp du khách từ Hà Nội lên đền Mẫu Âu Cơ thì có thể đi theo hướng cầu Nhật Tân qua CT 05/ CT Hà Nội - Lào Cai, đi qua QL3. Đền nằm sát quốc lộ nên du khách chỉ cần đi bộ vài mét là tới nơi. Tổng quãng đường đi khoảng 150km, thời gian di chuyển từ 3 - 4 tiếng.

Đền Mẫu Âu Cơ nằm cách đền Hùng khoảng 65km, du khách có thể kết hợp tham quan hai địa điểm này với cung đường gọi ý như sau:
- Đi theo hướng QL 32C tới ĐCT 05 qua vòng xuyến, sau đó đi qua QL2 tới ngã tư rẽ phải tới đại lộ Hùng Vương sẽ tới được đền Hùng.
- Đi theo hướng QL32C rẽ trái qua cầu Hạ Hòa đi theo TL 312 tới TL 320 rẽ ra QL 32C tới đường Lạc Hồng 309 sẽ tới được đền Hùng.
- Cách cuối cùng bạn đi thẳng tới hướng QL 32C rẽ đi vào đường Âu Cơ, sau đó đi qua ĐCT 05/ ĐCT hướng Nội Bài - Lào Cai tới đại lộ Hùng Vương là tới đền.
Vãn cảnh đền Mẫu Âu Cơ và hòa mình vào không khí lễ hội
Vãn cảnh đền Mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ là một điểm du lịch tâm linh mang tính kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao. Trong đền lưu giữa nhiều tượng, cổ vật quý giá. Du khách đến đây chiêm bái đền có thể tìm hiểu về lịch sử ngôi đền, sự xuất hiện của các hiện vật theo thời gian lịch sử.

Đặc biệt, tại đền Mẫu Âu Cơ có cây cổ thụ xum xuê, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc. Hai bên đền là giếng nước có tên Phượng và Loan. Phía trước có dãy núi Giác và phía sau là sông Hồng hiền hòa uốn lượn.
Hòa mình vào lễ hội đền Mẫu Âu Cơ
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ mang giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng. Đồng thời, là điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh và môi trường giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ bắt đầu với nghi thức tế Tam vị Đức ông, do đội tế nam thực hiện. Ngay sau nghi lễ cúng lễ đoàn rước kiệu Thánh từ đình ra đền Mẫu Âu Cơ được khởi hành. Vào giờ Thìn, đoàn rước về sâu đền Mẫu. Trong không khí trang nghiêm sẽ là lễ dâng hương và lễ vật. Lễ vật là đồ chay gồm hoa quả, đăng hương, trầu, rượu cùng 100 cầu bánh mật, 100 phẩm bánh chè kho, 100 chiếc bánh ít tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.

Tiếp đền là phần tế nữ, đội tế nữ gồm 14 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn tiến hành nghi lễ tế. 14 cô gái mặc áo dài đủ các màu, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, chủ lễ mặc hoàn toàn màu đỏ. Tế nữ là khâu thu hút sự chú ý nhất trong phần tế.
Sau lễ tế, hội diễn ra với nhiều hoạt động, đó là các trò chơi dân gian như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm đếm có thưởng, nhất là có phần ca hát với những bài hát ca ngợi Mẫu Âu Cơ.
Việc thực hành các nghi lễ tế, rước, các trò chơi dân gian phản ánh đời sống vui tươi, trù phú, ấm no, hạnh phúc nhờ ơn phù trợ thiêng liêng của Quốc Mẫu và tổ tiên giống nòi Quốc Tổ Lạc Long Quân, các đời vua Hùng dựng nước và giữ nước.
Một số lưu ý quan trọng khi đến chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ
Để có chuyến du xuân vãn cảnh đền Mẫu Âu Cơ trọn vẹn nhất, du khách cần lưu ngay một số lưu ý sau:
- Đền Mẫu Âu Cơ là địa chỉ tâm linh linh thiêng nên khi đến đây, du khách cần đảm bảo thực hiện đúng các quy định: đi nhẹ nói khẽ, phát ngôn văn minh, không đụng chạm vào hiện vật, không quay chụp ở những nơi có biển cấm...
- Du khách khi tham quan xung quanh đền Mẫu tuyệt đối không phá hoại cây, không xả rác bừa bãi.
- Đền Mẫu Âu Cơ là địa chỉ tâm linh nên khi đến đây cần mặc gọn gàng, kín đáo.
- Không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan tại đền Mẫu Âu Cơ.
Xem thêm: Lên "nóc nhà Đông Dương" chiêm bái quần thể văn hóa tâm linh Fansipan Legend
Tin liên quan
Đi lễ chùa đầu năm là phong tục không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Việt. Tết Ất Tỵ 2025, Người Du Lịch xin gợi ý đến du khách 5 ngôi chùa linh thiêng cầu bình an ở Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc là trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, có niên đại hơn 1500 năm. Chùa mang kiến trúc độc đáo, tựa như một đài sen đang nở giữa sóng nước hồ Tây.