Chuyện ít biết về hòn đảo du lịch duy nhất được đặt tượng Bác Hồ khi Người còn sống
Ít ai biết rằng giữa muôn trùng sóng nước của vùng biển Đông Bắc, trên huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có một tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đặc biệt - tượng Bác duy nhất được dựng khi Người còn sống. Và bức tượng đã trở thành niềm tự hào thiêng liêng của người dân vùng đảo biên cương.
Kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm đảo Cô Tô
"Ôi Bác Hồ ơi nhớ Bác nhiều, nước non ơn Bác biết bao nhiêu/ Tháng năm ngày hạ mùa sen nở nhắc nhở cháu con những sớm chiều”. Nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp hè về vùng đảo Cô Tô lại tấp nập khách ghé thăm. Khi đến với hòn đảo nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc này, không ai không ghé thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi đây là tượng đài đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho phép xây dựng khi Người vẫn còn sống.
Có thể bạn chưa biết, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) giữ vị trí chiến lược trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Vào năm 1961, Bác Hồ đã ra thăm đảo. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đất nước còn chia cắt. Việc một vị lãnh tụ cao nhất của đất nước vượt biển ra đảo xa thăm hỏi, động viên đã khiến người dân Cô Tô xúc động và cảm kích vô cùng.

Trong lần tới thăm đảo Cô Tô, Bác Hồ đã căn dặn bà con trên đảo: "Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Chuyến thăm để lại dấu ấn sâu đậm đến mức: "Nhân dân và cán bộ huyện Cô Tô đã tự nguyện đề nghị được dựng tượng đài Bác Hồ trên đảo, và Người đã đồng ý.
Năm 1968, tượng đài chính thức được xây dựng – trước cả khi Bác mất (năm 1969). Đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam khi tượng của một lãnh tụ được xây dựng lúc Người còn sống, thể hiện tình cảm đặc biệt mà quân dân Cô Tô dành cho vị Cha già dân tộc.
Tượng đài gắn liền với ký ức thiêng liêng
Đầu năm 1968, tượng đài Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện. Tượng được làm bằng chất liệu thạch cao. Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, tay phải giơ lên vẫy chào như hình ảnh Người đang tươi cười vẫy chào nhân dân khi tới thăm Cô Tô.
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 1,8m (cả bệ là 4m). Công trình được khánh thành ngày 22/5/1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Tháng 6/1976, bức tượng bán thân được thay bằng bức tượng toàn thân với chất liệu bê tông cốt thép. Tượng có chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m nằm cách bờ biển 100m. Tượng đài Bác Hồ đứng uy nghiêm, lưng tựa núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt hướng ra Biển Đông bao la, cảm giác như bác đang dõi theo từng tấc đất của quê hương Việt Nam.

Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, bức tượng Bác bằng bê tông đã được thay thế bằng chất liệu đá Granit. Giờ đây, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô vẫn được đánh giá là tượng đài Bác Hồ, du khách còn có thể tham quan nhiều địa danh ghi dấu chân của Bác như:
- Khu nhà lưu niệm - nơi Bác Hồ đã được gặp cán bộ, nhân dân Cô Tô.
- Cánh đồng muối nơi Bác đến thăm.
- Bờ ruộng khoai nơi bác đến xem bới khoai và dừng lại trò chuyện cùng bà con.
Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô là một trong những di tích đặc biệt quan trọng. Di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử số: 985 QĐ/VH, ngày 7/5/1997.
Bên dưới tượng đài là quảng trường, cây xanh, không gian tưởng niệm, nơi diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng.
Đến năm 2005, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện Cô Tô đã xây dựng ngôi đền thờ Bác Hồ. Năm 2010, khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô được đầu tư tôn tạo, mở rộng với diện tích từ 6.500m2 lên trên 62.500m2 gồm các hạng mục: Khu khuôn viên tượng đài và đền thờ Bác Hồ, ao cá Bác Hồ, hệ thống hồ điều hoà cùng nhiều hạng mục khác...
Hiện nay, trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nhắc đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Đảo Cô Tô nằm vững chắc nơi tiền tiêu trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Ngày nay – nơi ai đến Cô Tô cũng dừng chân
Trong hành trình du lịch Cô Tô, du khách thường không thể bỏ qua:
- Tham quan tượng đài Bác Hồ.
- Lắng nghe những câu chuyện xưa từ người già trên đảo về ngày Bác ra thăm.

- Chụp ảnh kỷ niệm tại địa điểm linh thiêng này.
- Tham gia lễ chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần của học sinh và cán bộ đảo.
Cảnh sắc quanh tượng đài cũng rất nên thơ: từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ra thị trấn, biển xanh lấp lánh ánh mặt trời và cảm nhận nhịp sống yên bình giữa biển khơi.
Tin liên quan
Có những đêm không nằm trong ký ức, mà nằm sâu trong tâm trí - như một ngôi sao nhỏ lặng lẽ sáng mãi. Với tôi, đó là một đêm đầy trải nghiệm ở rừng Cúc Phương.
Dẫu không nổi tiếng như "người hàng xóm" vịnh Hạ Long nhưng vịnh Lan Hạ lại sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, bình yên đến lạ - là báu vật thiên nhiên mà bất kỳ ai yêu biển cả cũng muốn ghé thăm một lần.
Người ta gọi Mã Pì Lèng là “huyền thoại trên đá” – bởi chính nơi đây đã viết nên một phần sử thi hiện đại của dân tộc Việt Nam.