Du khách chú ý: Bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ bắt đầu quá trình mạnh trở lại, nhiều chuyến bay bị hủy
Đến 9h ngày 21/7, bão số 3 (bão Wipha) đã xuống vịnh Bắc Bộ, bắt đầu quá trình mạnh trở lại nhờ nguồn năng lượng dồi dài từ đại dương.
Bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ, bắt đầu quá trình mạnh trở lại
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 7h sáng nay (21/7/2025), tâm bãi nằm trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất đạt 88 km/h, tương đương cấp 9, giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 15-20 km/h.
Đến 9h hôm nay (21/7), bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ, bắt đầu quá trình mạnh trở lại nhờ nguồn năng lượng dồi dào từ đại dương. Vị trí tâm bão khoảng 21.3 độ Vĩ Bắc; 109.7 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Cũng theo cơ quan khí tượng, đến 7h ngày 22/7, bão sẽ chuyển mạnh lên cấp 10 - 11, giật cấp 14 khi ở trên khu vực vịnh Bắc Bộ và có khả năng tiếp tục mạnh thêm. Sau đó, bão sẽ di chuyển vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Đài Khí tượng Nhật Bản dự báo bão có thể giảm xuống 90 km/h khi vào Vịnh Bắc Bộ nhưng sẽ mạnh trở lại lên 108 km/h khi áp sát Quảng Ninh - Hải Phòng. Trong khi đó, Đài Hong Kong cho rằng bão duy trì cường độ 90 km/h khi đi vào Vịnh Bắc Bộ và tâm bão có thể đi vào khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa.
Ảnh hưởng của bão khiến vùng biển tây bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng cao 3-5 m. Vùng bắc Vịnh Bắc Bộ (gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau đó tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; sóng cao 3-5 m. Vùng nam Vịnh Bắc Bộ (gồm đảo Hòn Ngư) gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; sóng cao 2-4 m.
Vùng ven biển từ Hưng Yên đến Quảng Ninh có thể xuất hiện nước dâng do bão cao 0,5-1 m. Mực nước tại Hòn Dấu (Hải Phòng) dự kiến 3,7-4,1 m; tại Cửa Ông (Quảng Ninh) 4,4-4,8 m; Trà Cổ 3,6-4 m. Nguy cơ ngập úng vùng cửa sông, ven biển vào chiều 22/7 được đánh giá là cao.

Kể từ đêm ngày 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An bắt đầu có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền có gió cấp 6, giật cấp 7-8. Gió mạnh cấp 10-11 có thể gây đổ cây cối, cột điện, tốc mái nhà.
Dự báo trong ba ngày 21-23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 600 mm. Các địa phương khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Mưa lớn cục bộ có thể vượt 150 mm trong ba giờ, gây lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng vùng trũng.
Tại cuộc họp trực tuyến với 1.700 xã, phường sáng 20/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan chuyên môn cập nhật sát diễn biến, đánh giá chính xác quy mô, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của bão. Các địa phương phải rà soát năng lực ứng phó của bộ máy sau sáp nhập, bảo đảm chỉ đạo thống nhất, phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng.
Để ứng phó với bão, tỉnh Quảng Ninh đã cấm toàn bộ tàu khách du lịch trên vịnh Hạ Long và các tuyến tàu ra đảo. Các phương tiện được phép quay về đất liền trả khách nhưng không được rời bến trở lại. Tỉnh Ninh Bình cấm biển từ 7h ngày 21/7 và tổ chức sơ tán dân ở vùng đê xung yếu trước 12h trưa. Hưng Yên đã cấm biển từ 18h ngày 20/7, còn Hải Phòng thực hiện cấm biển từ 17h cùng ngày.
Nhiều chuyến bay bị hủy do bão số 3
Do ảnh hưởng của bão Wipha tại Trung Quốc, Vietnam Airlines cho biết sẽ hủy 4 chuyến bay VN1188, VN7188, VN7189, VN7056, VN7057 giữa TP HCM và Hải Phòng; VN1856, VN1857 giữa TP HCM và Côn Đảo trong ngày 21/7.
Pacific Airlines sẽ điều chỉnh giờ khởi hành sớm hơn so với kế hoạch đối với các chuyến bay BL6440, BL6441 giữa TP HCM và Hải Phòng nhằm đảm bảo thời gian cất, hạ cánh tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) trước 12h trưa. Hãng cũng sẽ hủy các chuyến bay BL6520 và BL6521 trên đường bay này trong ngày.
Ngày 22/7, các chuyến bay của Vietnam Airlines Group khai thác tại sân bay Cát Bi sẽ khởi hành sau 12h. Ngoài ra, nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế trong ngày 21-22/7 sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền bởi cơn bão Wipha.

Vietjet Air cũng hủy 8 chuyến bay đến và đi từ Quảng Ninh, Hải Phòng ngày 21/7. Đó là hai chuyến VJ232 và VJ233 giữa Vân Đồn và TP HCM, 3 chuyến VJ290, VJ1278, VJ1284 giữa TP HCM - Hải Phòng; 3 chuyến VJ291, VJ1275, VJ1285 chặng Hải Phòng - TP HCM.
Các hãng hàng không khuyến cáo giờ bay có thể tiếp tục điều chỉnh theo diễn biến của cơn bão, hành khách cần cập nhật thông tin từ hãng. Hành khách thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay, đặc biệt trong điều kiện thời tiết phức tạp để giúp giảm thiểu rủi ro khi máy bay gặp nhiễu động không khí.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không và hành khách, tổ chức trực 24/24h.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không Vân Đồn được yêu cầu kiểm tra toàn diện hạ tầng các sân bay, hệ thống thông tin liên lạc nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng nếu có, đảm bảo an toàn cho các công trình, đài trạm.
Nhiều tỉnh cấm biển, sơ tán dân
Để ứng phó với bão số 3 và cũng để tập trung tìm kiếm du khách mất tích sau vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 chiều ngày 19/7, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 20/7 đã cấm toàn bộ tàu khách du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long cũng như các tàu vận chuyển khách đi tuyến đảo, giữa các đảo. Phương tiện về đất liền trả khách được cấp phép.
Tỉnh Ninh Bình dự kiến cấm biển từ 7h ngày 21/7, di dời dân vùng đê xung yếu trước 12h trưa cùng ngày, đồng thời tiêu thoát nước nội đồng bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã triển khai trực 100% quân số, tạm dừng nghỉ phép từ sáng 21/7, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ. Sau sáp nhập, địa bàn tỉnh có nhiều khu vực trọng điểm như xã Hải Thịnh, Cồn Tròn, vùng sông Hoàng Long và phía tây nam tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên cấm biển từ 18h ngày 20/7. Toàn tỉnh có 1.132 phương tiện với hơn 3.200 lao động, trong đó phần lớn đã neo đậu an toàn. Ngoài ra, tỉnh có hơn 1.100 đầm nuôi thủy sản và gần 1.200 chòi canh với hơn 2.800 lao động ven biển. Lực lượng chức năng đã liên lạc với toàn bộ phương tiện, triển khai phương án sơ tán dân, đặc biệt là lao động trên chòi canh và tàu thuyền, hoàn tất trước 17h ngày 21/7. Việc neo đậu tàu thuyền phải hoàn thành trước 10h cùng ngày. Tỉnh cũng yêu cầu các công ty thủy lợi mở tối đa cống tiêu nước, bảo vệ lúa, hoa màu, khu dân cư và khu công nghiệp; đồng thời khơi thông dòng chảy, vận hành trạm bơm, sẵn sàng lực lượng cứu hộ và phương án sơ tán dân khi cần thiết.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi; dừng các hoạt động tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 17h ngày 20/7.
Xem thêm: Kỹ năng an toàn khi đi tàu trên biển và cách xử lý tình huống khẩn cấp
Tin liên quan
Nếu muốn an toàn trên những chuyến đi thuyền/máy bay thì đây là 5 điều bạn cần làm ngay lập tức khi khởi hành.
Người dân bức xúc, du khách ngao ngán về tình trạng đá chẻ xuất hiện dày đặc ở khu bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ (phường Đông Hải, tỉnh Khánh Hòa).
Nếu muốn an toàn trên những chuyến đi thuyền/máy bay thì đây là 5 điều bạn cần làm ngay lập tức khi khởi hành.
Bài mới

Sau khi bị hành hung tại tiệm photobooth, 1 trong 2 cô gái đã đăng video cùng bài viết tố cáo hành vi côn đồ của du khách Hàn Quốc.