Từ vụ du khách t:ử v:o:ng khi chơi dù lượn: Lực lượng chức năng khuyến cáo các đơn vị tổ chức không bay dù lượn trên bán đảo Sơn Trà quá muộn
Vụ tai nạn dù lượn vào chiều muộn ngày 8/7 khiến 1 du khách t:ử v:o:ng. Từ sự việc này, lực lượng chức năng khuyến cáo các đơn vị không tổ chức bay dù lượn trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) quá muộn.
Nguyên nhân ban đầu khiến du khách tử vong khi chơi dù lượn ở bán đảo Sơn Trà
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là H.Q.T (1989). Trước đó, nạn nhân lên bán đảo Sơn Trà thuê dịch vụ dù lượn. Lúc bay lên trời ở khu vực bán đảo Sơn Trà thì bất ngờ người này bị rơi xuống đất từ độ cao hàng trăm mét, trong khi phi công lái dù vẫn an toàn và hạ cánh ngay sau đó.

Đến sáng 9/7, Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã có báo cáo ban đầu về vụ tai nạn dù lượn trên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Theo đó, du khách H.Q.T. (36 tuổi, trú tại Tân Phú, TP.HCM) trong lúc tham gia trải nghiệm dù lượn tại bán đảo Sơn Trà do Công ty T.F. (địa chỉ phường Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) làm dịch vụ thì bị rơi xuống rừng. Còn người điều khiển dù (người dẫn bay) được xác định là anh L.M.P. (41 tuổi, thuộc Công ty T.F.).
Vào thời điểm trên, anh P. điều khiển dù lượn chở anh T. từ trên núi Sơn Trà bay về phía bãi đáp thì gặp sự cố khiến anh T. bị rơi xuống rừng. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã triển khai tìm kiếm, phát hiện anh P. rơi xuống bãi cát. Anh P. được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Đến tối cùng ngày, lực lượng tìm kiếm phát hiện anh T. đã tử vong tại khu vực gần resort Biển Đông trên bán đảo Sơn Trà.
Dù lượn - bộ môn thể thao mạo hiểm ở Đà Nẵng
Dù lượn là môn thể thao mạo hiểm ở Đà Nẵng, phục vụ hàng ngàn du khách trong nhiều năm qua. Hiện có 5 đơn vị được cấp phép: Công ty TNHH Du lịch Dù lượn Miền Trung, Công ty TNHH Đà Nẵng Bay, Công ty Cổ phần Dù lượn Đà Nẵng, Công ty TNHH Lữ Hành Tâm Phát, Công ty TNHH MTV & DV Tropical Forest.
Theo ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đà Nẵng, 5 đơn vị này đáp ứng các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ bay dù lượn không động cơ tại bãi dù lượn - bán đảo Sơn Trà.

Đơn vị chức năng quy định thời gian tổ chức bay trước 17h hàng ngày, đồng thời khuyến cáo các công ty không không tổ chức bay dù lượn trên bán đảo Sơn Trà quá muộn. Các chuyến bay phải cân nhắc kỹ tình hình thời tiết, hướng gió...
“Theo báo cáo ban đầu, du khách H.Q.T. gặp nạn lúc 17h30, có thể đây là chuyến bay cuối cùng trong ngày của công ty này cũng như các đơn vị còn lại. Qua kiểm tra, dù bay trong phạm vi cho phép”, ông Thao nói.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết thêm Công ty Tropical Forest có đầy đủ các giấy tờ hoạt động bay dù lượn. Du khách H.Q.T. cũng đã mua bảo hiểm, cam kết chịu trách nhiệm an toàn về sức khỏe, tính mạng khi bay. Sở đang phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân gây tai nạn, rà soát lại các quy trình, xem cần siết chặt thêm những chỗ nào. Hiện Sở đã tạm dừng dịch vụ bay dù lượn trên bán đảo Sơn Trà.
Đây là lần đầu xảy ra trường hợp du khách tử vong khi chơi dù lượn ở Đà Nẵng.
Cảnh báo nguy hiểm từ chơi dù lượn
Chơi dù lượn (paragliding) là một hoạt động thể thao mạo hiểm đầy hấp dẫn, mang đến cảm giác tự do và trải nghiệm ngoạn mục từ trên cao. Tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu người chơi chủ quan hoặc điều kiện không đảm bảo an toàn. Dưới đây là những cảnh báo nguy hiểm bạn cần đặc biệt lưu ý:
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Gió mạnh, gió xoáy, gió đổi hướng; sương mù, mưa rào, bãi... làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng đến hướng.
- Kỹ năng và kinh nghiệm không đủ: Người mới chơi dễ xử lý sai tình huống, đặc biệt khi gặp gió mạnh, mất thăng bằng hoặc chướng ngại vật bất ngờ; Không nắm rõ thao tác cất cánh, điều hướng và hạ cánh dễ dẫn đến tai nạn.
- Thiết bị hư hỏng hoặc kém chất lượng: Dù rách, dây đai lỏng, khóa an toàn kẹt, hoặc dây điều khiển mòn… có thể gây mất kiểm soát trên không.

- Khu vực địa hình nguy hiểm: Bay gần núi đá, vách đứng, cột điện, rừng rậm hoặc bờ vực có thể dẫn đến va chạm; Khu vực có dòng khí bất ổn (nhiễu động không khí) như gần đồi dốc, vực sâu cũng rất nguy hiểm.
- Say độ cao hoặc hoảng loạn: Một số người bị choáng váng, rối loạn tiền đình ở độ cao, dễ dẫn đến mất bình tĩnh hoặc ngất xỉu.
- Không mua bảo hiểm hoặc không thông báo trước: Tai nạn dù lượn hiếm nhưng khi xảy ra thường nghiêm trọng. Một số nơi chưa có đầy đủ phương án cấp cứu, hoặc khách không được mua bảo hiểm du lịch mạo hiểm.
Một số lưu ý an toàn khi chơi dù lượn:
- Bay thử lần đầu nên chọn dù đôi (tandem) với phi công có chứng chỉ quốc tế.
- Trang phục: giày thể thao, quần áo dài tay, nón bảo hộ, kính chắn gió.
- Luôn nghe theo chỉ dẫn của HLV và tuyệt đối không tự ý cất/hạ cánh.
Xem thêm: Cảnh báo nguy hiểm tiền ẩn từ việc chơi dù lượn gắn động cơ trên biển Bãi Cháy
Tin liên quan
Mặc quần legging lên máy bay không phải là điều "cấm kỵ", song đó không phải lựa chọn tối ưu về mặt an toàn, vệ sinh và sức khỏe. Điều này đã được chuyên gia hàng không cảnh báo.
MXH xuất hiện video quảng cáo tour du lịch câu mực đêm ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đáng nói, hoạt động này chưa được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên biển.
Đồi cát Trinh Nữ vốn là biểu tượng du lịch quyến rũ nhất Bình Thuận nhưng giờ đây lại trở thành khu vực bị gắn biển cảnh báo nguy hiểm. Vì sao vậy?