Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và di sản liên tỉnh thứ 2
Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO công nhận quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới, tại kỳ họp lần thứ 47 chiều 12/7.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) trở thành di sản thế giới thứ 9 của Việt và di sản liên tỉnh thứ 2, sau Vịnh Hạ Long - Quần thể Cát Bà. Đồng thời, đây cũng là di sản dạng chuỗi đầu tiên của Việt Nam, phản ánh đầy đủ sự gắn kết giữa tự nhiên, văn hóa và tôn giáo xuyên suốt nhiều thế kỷ.

Quần thể di sản gồm 12 điểm, nằm trên ba địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, với diện tích vùng lõi 525,75 ha và vùng đệm 4.380,19 ha. Các điểm tiêu biểu gồm Thái Miếu, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang (Quảng Ninh); đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương (Hải Phòng); chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Ninh).
Quần thể phản ánh tiến trình hình thành, truyền bá và phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm - dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13. Từ Yên Tử (khai sáng), đến Vĩnh Nghiêm (truyền bá) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (phục hưng), hệ thống di tích thể hiện mối liên kết giữa nhà nước, tôn giáo và cộng đồng cư dân trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Phật giáo Trúc Lâm được phát triển chủ yếu bởi các thành viên hoàng tộc nhà Trần, là hệ phái kết hợp các yếu tố Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa. Theo hồ sơ di sản, hiện có khoảng 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và hơn 15.000 ngôi chùa Trúc Lâm tại hơn 30 quốc gia. Một số địa điểm tiêu biểu như chùa Trúc Lâm Paris (Pháp), Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình (Mỹ) được ghi nhận trong hồ sơ.
Hồ sơ đề cử được xây dựng trong 13 năm, với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền ba địa phương. Trong quá trình hoàn thiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các địa phương đã tiếp thu ý kiến và khuyến nghị của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) nhằm làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu và năng lực quản lý, bảo tồn di sản theo yêu cầu của công ước Di sản Thế giới 1972.

Trước đó, Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), vịnh Hạ Long (1994, mở rộng ra Cát Bà 2023), phố cổ Hội An (1999), thánh địa Mỹ Sơn (1999), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, mở rộng 2015), hoàng thành Thăng Long (2010), thành nhà Hồ (2011) và quần thể danh thắng Tràng An (2014).
Xem thêm: Di sản liên biên giới Việt - Lào có gì hấp dẫn?
Tin liên quan
Nếu chỉ có 24 giờ ở Hạ Long, liệu có đủ để khám phá hết vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh biển được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới?
Bảo Sái Cổ Tự là ngôi chùa linh thiêng hội tụ linh khí trời đất nằm giữa vùng quê thanh bình của tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là nơi tu hành của vị đệ tử thân cận nhất của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Du lịch tâm linh Sa Pa là những đền, chùa tựa vào thế núi, nép giữa non ngàn tạo nên khung cảnh linh thiêng, huyền bí...