Mất mát to lớn của vịnh Nha Trang
Khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam để mất 191 ha rạn san hô trong giai đoạn 2002-2024. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về mức độ hiệu quả trong công tác bảo vệ hệ sinh thái ven biển.
Ngày 27/6, Reccessary - trang tin về năng lượng và thị trường carbon khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trích dẫn nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về tình trạng rạn san hô ở vịnh Nha Trang. Theo dữ liệu thu được từ viễn thám và học máy của đơn vị trên khu vực rộng 160km cho thấy, từ năm 2002 - 2024, vịnh Nha Trang mất khoảng 191ha rạn san hô, tập trung ở khu vực quanh đảo Hòn Tre, Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và hòn Miễu.
Trong đó, phát triển hạ tầng ven biển bao gồm xây dựng đường sá, khu nghỉ dưỡng và cảng biển đã kích hoạt những thay đổi lớn về sử dụng đất ở vịnh Nha Trang, gây thất thoát 125 ha rạn san hô trong giai đoạn 2002 - 2016.
Mặc dù đã được bảo vệ từ năm 2002, các rạn san hô của vịnh Nha Trang vẫn tiếp tục bị thu hẹp. Có một số lý do dẫn đến tình trạng này:
Thứ nhất, mức độ ô nhiễm từ các con sông do mở rộng đô thị, mất rừng ngập mặn cũng đang bóp nghẹt san hô và trầm tích ở vịnh Nha Trang.

Cũng theo nghiên cứu, các phương pháp đánh bắt bất hợp pháp như sử dụng thuốc nổ, xyanua cùng với sự gia tăng "không kiểm soát" các bè nuôi cá nổi cũng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm chất dinh dưỡng, làm hư hại các rạn san hô của vịnh.
Sự bùng phát của sao biển vương miện gai (Acanthaster planci) có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương cũng xóa sổ đáng kể các loài san hô khỏe mạnh tại địa phương. Những kẻ săn mồi tự nhiên của sao biển - ốc kèn Triton (Charonia tritonis) - dẫn đến mức giảm trung bình 64% độ che phủ san hô trên 10 địa điểm được giám sát.
Nhiệt độ nước biển tăng do sự nóng lên toàn cầu cũng gây căng thẳng cho san hô. Vi khuẩn quang hợp bị trục xuất dẫn đến tình trạng tẩy trắng.
Từ năm 2002 - 2024, nhiệt độ mặt nước biển ở vịnh Nha Trang tăng "đều đặn" đạt 30 độ C (ngưỡng nhiệt gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô). Ngoài ra, 32 cơn bão kể từ khi khu bảo tồn thành lập năm 2001 cũng làm hư hại hệ sinh thái biển địa phương.

Ông Hoàng Công Tín - Trưởng khoa Môi trường (ĐH Khoa học, Đại học Huế), chuyên gia lập bản đồ môi trường biển nhận định: Việc chỉ định sớm các khu bảo tồn biển là không đủ để bảo vệ san hô, nếu không có sự quản lý thích ứng, khoa học và sự tham qua tích cực của chính quyền địa phương.
"Sự mất mát nghiêm trọng của san hô và sự bùng phát của sao biển phản ánh 'tác động kết hợp của rối loạn sinh học và áp lực của con người từ hoạt động du lịch, ô nhiễm nguồn nước...'", vị trưởng khoa nói với tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Mongabay.
Chuyên gia từ Đại học Huế cho biết thêm, phương pháp tiếp cận lai có thể mở rộng và tiết kiệm chi phí để giám sát rạn san hô ở khu vực có dữ liệu hạn chế.
"Kinh nghiệm của Nha Trang phản ánh những rủi ro mà các rạn san hô phải đối mặt trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở các đô thị ven biển đang phát triển nhanh hoặc đông khách du lịch.
Những rạn san hô này phải đối mặt với các lỗ hổng chung bao gồm yếu tố khí hậu, ô nhiễm và sử dụng tài nguyên không bền vững. Việc hành động không kịp thời, thiếu liên kết với địa phương có thể dẫn đến tổn thất sinh thái không thể phục hồi", vị chuyên gia nói.
Để giúp các rạn san hô của vịnh Nha Trang phục hồi và đối phó với biến đổi khí hậu và giảm áp lực từ con người, các tác giả nghiên cứu đã kêu gọi hành động bảo tồn mạnh mẽ hơn, bao gồm giảm ô nhiễm, thiết kế lại các khu vực bảo tồn biển (MPA-Marine Protected Area) và tích cực khôi phục các rạn san hô bị hư hại.
Điều quan trọng là sự tham gia của cộng đồng địa phương và tôn trọng tài nguyên thiên nhiên.
(Theo Zing)
Xem thêm: Làng Hà Liên - "ốc đảo" thơ mộng giữa đầm Nha Phu, Khánh Hòa
Tin liên quan
Dốc Lết là điểm đến lý tưởng nếu bạn muốn tránh xa sự ồn ào, tìm về với bình yên của biển xanh, cát trắng, nắng vàng...
Nếu bạn e ngại sự đông đúc ở Vĩnh Hy thì hãy thử "rẽ trái" tìm đến làng chài Ninh Vân - thiên đường thầm lặng, nép mình bên bờ vịnh xanh thẳm thuộc bán đảo Hòn Hèo, cách trung tâm TP Nha Trang chừng 60km.
Đảo Bích Đầm không dành cho số đông, mà là nơi lý tưởng cho những ai đang tìm về sự tĩnh lặng, mộc mạc và chân thật. Dẫu còn thiếu tiện nghi nhưng mỗi góc ở đây đều mang đến cảm giác thần khiết và điện ảnh đến lạ...